Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần hành động nhanh chóng
Cá cược bóng đá phi pháp làm thất thoát hàng tỷ USD / UNDP tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển đổi xanh
Tại diễn đàn "Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024" diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang là ưu tiên quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đây được coi là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động và tạo dựng một nền kinh tế bền vững hơn trong giai đoạn mới.
Việt Nam đã có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia (HĐQG) thực hiện KTTH. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cùng nền tảng thông tin giúp doanh nghiệp tiến tới một nền kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, sự tham gia của doanh nghiệp vẫn là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò thực thi mà còn phải tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh để tạo dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn hơn, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, chỉ còn 5 năm nữa là tới vạch đích của mục tiêu phát triển bền vững và một nửa chặng đường cho tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030.
"Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn này: giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD. Những tham vọng này phản ánh cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững và phúc lợi của người dân”, bà Ramla Khalidi nêu
Với những mục tiêu này, theo bà Ramla Khalidi, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua những thách thức đáng kể. Ô nhiễm rác thải, không khí và nhựa, bao gồm cả ở Hà Nội xinh đẹp, nhắc nhở chúng ta về khó khăn trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bảo vệ môi trường.
"Nền kinh tế tuần hoàn mang đến một cơ hội mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này. Nhưng chúng ta phải hành động thật nhanh chóng, gấp rút chuyển đổi từ lập kế hoạch sang hành động", bà Ramla Khalidi lưu ý.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đề xuất tích hợp thiết kế sinh thái vào chính sách. Các chính sách dựa trên bằng chứng, như Khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Việt Nam có thể học hỏi từ những quy định thiết kế sinh thái của EU nhằm thúc đẩy tái chế, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và cải thiện hiệu quả năng lượng. Đây không chỉ là cơ hội phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Tập trung vào các ngành có liên quan mật thiết đến thương mại quốc tế như nông nghiệp, dệt may, điện tử và vật liệu xây dựng. Việc tích hợp các hoạt động tuần hoàn trong những ngành này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, đồng thời tận dụng lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.
Ngoài ra, các cải cách thể chế là chìa khóa để gỡ "nút thắt" trong quá trình phát triển. Đơn cử, việc đơn giản hóa thủ tục tái sử dụng nước thải hoặc thu hẹp khoảng cách chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế có thể mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế tuần hoàn.
Cũng theo chuyên gia, quá trình chuyển đổi KTTH cần đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm. Các sáng kiến như Mạng lưới KTTH Việt Nam và Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa sẽ tạo không gian để các bên liên quan phối hợp và hiện thực hóa tầm nhìn.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, với KTTH, Việt Nam nên bắt đầu từ những chính sách cụ thể. Vai trò của chính sách đối với việc vận hành KTTH rất quan trọng. Trong đó, Việt Nam phải có những quy định về thiết kế sản phẩm.
"Thời gian vừa qua, châu Âu đã ban hành chỉ thị về thiết kế sinh thái, trong đó có những quy định rất cụ thể về sản phẩm như phải dễ tái chế, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hoá tuổi thọ. Có lẽ chúng ta phải có những quy định làm sao để sản phẩm phải dễ phân loại, dễ tháo rời, các nguyên liệu đi kèm bảo đảm mức độ đồng bộ nhất định để quy trình tái chế dễ dàng nhất.
Trong thời gian tới, Việt Nam phải có những chế định cụ thể đối với từng mặt hàng. Có thể không làm được cho tất cả các ngành hàng các sản phẩm cụ thể cùng lúc nhưng nên bắt đầu bằng các sản phẩm nhựa, may mặc", ông Tuấn khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo