Chính sách

Quan hệ thương mại Việt Nam – EU: Từng bước đi vào chiều sâu

DNVN - Sau 31 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ cùng các bộ ngành đã thúc đẩy quan hệ song phương đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả chiều rộng lẫn chiều sau. Trong đó, quan hệ thương mại là quan hệ tiền đề và quan trọng thúc đẩy hợp tác rộng rãi và đa dạng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Xuất khẩu thực phẩm không ngại 'phá vỡ' các rào cản / Việt Nam chưa mất thương hiệu gạo ST24, ST25

Thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhận thức được việc phát triển quan hệ với Khối Liên minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục mở rộng mối quan hệ đối tác với tất cả các quốc gia thành viên EU, Bộ Công Thương đã thúc đẩy đàm phán và ký kết các hiệp định quan trọng với đối tác này.
Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) được ký kết ngày 27/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/10/2016 với các cam kết mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đã thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách tăng cường phát triển hợp tác toàn diện và sâu sắc với EU; đồng thời đánh dấu cột mốc quan trọng đưa quan hệ giữa Việt Nam – EU lên tầm cao mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn; tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện, lâu dài, phù hợp với mức độ liên kết sâu rộng trong thế kỷ XXI, cũng như thế và lực ngày càng tăng của Việt Nam sau hơn 25 năm Đổi mới và hội nhập thành công. Hiệp định đã mở rộng và làm sâu sắc nhiều lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu và EU có thế mạnh, trong đó có lĩnh vực kinh tế - thương mại trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Hiệp định PCA cũng tạo tiền đề quan trọng để hai Bên tiến hành đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hợp tác hướng tới sớm công nhận quy chế thị trường của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ với EU, bởi đây là đối tác quan trọng hàng đầu, mang tính chiến lược của Việt Nam trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành đàm phán và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); đồng thời đang tích cực thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Đây cũng là FTA đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết. Hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ với EU, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, tạo xung lực mới cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – EU.

Ảnh minh họa.
Thực tế cho thấy EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh. Trong bối cảnh EVFTA đi vào thực thi, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại sau một lộ trình nhất định, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng trọng điểmViệt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
Đối tác thương mại hàng đầu
Hiện nay, EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, là đối tác thương mại lớn hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Kim ngạch hai chiều tăng hơn 12 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 50 tỷ USD năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục là nước xuất siêu sang thị trường EU với thặng dư thương mại 29.307,1 triệu USD. Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp, Italia, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 cùng những biến động của thị trường đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của EU với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Trong 12 tháng năm 2020, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU-27 đạt 49,78 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỉ trọng 9,13% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này đạt 35,13 tỷ USD, chủ yếu sang các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp, Ý, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thuỵ Điển và Slovakia. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tích cực nhập khẩu hàng hoá của EU. Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 từ châu Âu của Việt Nam đạt 14,64 tỷ USD, tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2019.
"Có thể nói, sau 31 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Phát triển quan hệ với khối Liên minh đã giúp ngành Công Thương triển khai hiệu quả chủ trương đa dạng hoá thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường", đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Trong thời gian tới, tình hình thị trường sẽ tiếp tục có những thay đổi; quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa sẽ ngày càng mạnh mẽ và thiết thực hơn, với việc mở rộng tự do hóa thương mại và thực thi cam kết trong các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội mới trong phát triển thị trường xuất khẩu. Theo dự báo, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 18%, tương đương 8 tỷ Euro. Các nước EU sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông thủy sản, rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ, cũng như các mặt hàng công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày,đồ gỗ... Tuy nhiên, EU cũng là một thị trường khó tính, đòi hỏi đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây có thể được nhìn nhận như thách thức xen lẫn cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội tại, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm