Thị trường lao động: Thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành
DNVN - Đây là một trong nhiều kết quả khảo sát đáng chú ý của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về thị trường lao động công bố sáng 26/4 trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”. Sự kiện nằm trong Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Xuất khẩu thực phẩm không ngại 'phá vỡ' các rào cản / TP. HCM không tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM, đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát đã đưa ra bức tranh chung về thực trạng phát triển thị trường lao động Việt Nam.
Về nguồn cung, khảo sát cho thấy, lực lượng lao động khá dồi dào nhưng tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động giai đoạn 2011 - 2019 đã giảm so với giai đoạn trước đây. Ngoài ra, cũng phản ánh rõ nét việc già hóa dân số Việt Nam, tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động tăng lên: 10 năm tăng khoảng 3 tuổi, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi vào năm 2019.
"Lực lượng lao động của Việt Nam đang có xu hướng già đi, lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa", bà Xuân Quỳnh chia sẻ.
Theo báo cáo của CIEM, dù lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa, song tỷ lệ thất nghiệp với lực lượng lao động này lại đang ở mức cao. Số lượng lao động trẻ đang giảm nhưng thất nghiệp lao động trẻ trong độ tuổi 15 - 24 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019, tỷ lệ này này là 6,5% - chiếm gần 40% tổng số người thất nghiệp.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM trình bày báo cáo về thị trường lao động.
Xét theo giới tính, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới khá ổn định trong giai đoạn vừa qua, khoảng 50 - 60% không đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ lực lượng tham gia lao động của nữ giới có xu hướng giảm nhưng xu hướng giảm không phải là dấu hiệu tiêu cực mà phần nào cho thấy dấu hiệu tích cực lao động nữ tham gia vào quá trình đi học và đào tạo nhiều hơn nên việc tham gia thị trường lao động so với trước đây nhưng có thể trong tương lai sẽ có chất lượng hơn.
Về chất lượng nguồn lao động, báo cáo chỉ ra rằng, nhìn chung còn rất là thấp. Lao động qua đào tạo đã tăng hơn 20 điểm % trong giai đoạn 2010 - 2020 từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020. Nhưng đây là toàn bộ lao động đào tạo có chứng chỉ, không có chứng chỉ. Mặc dù có sự tăng mạnh nhưng tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo năm 2020 chưa đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2020: 70% vào năm 2020. Bên cạnh đó, nếu chỉ xét lao động có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên thì số này chỉ 24,5% vào năm 2020 và chỉ tiêu này cũng không đạt mục tiêu đề ra là 25% vào năm 2020.
"Một điểm nữa, chúng tôi thấy chất lượng lao động thấp khi tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hiện nay chủ yếu là sơ cấp và các hình thức đào tạo 3 tháng, chiếm đến 73,5% vào năm 2019, và hình thức đào tạo theo cao đẳng, trung cấp thì chỉ chiếm chưa đến 25%", bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực ngoài việc tham gia vào đào tạo thấp nhưng bên cạnh cũng thấy rằng thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành, thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động khu vực doanh nghiệp. Đây là điểm hạn chế làm chất lượng nguồn lao động vốn đã hạn chế còn yếu kém hơn.
"Xem xét trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội, một trong những ngôi trường hàng đầu Việt Nam, chúng tôi thấy rằng sự gắn kết giữa trường và các DN vẫn còn rất hạn chế mặc dù có sự cải thiện đáng kể từ 2017 đến nay. Thực tế, việc liên kết giữa trường ĐHBK với các DN mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu việc làm là chính, còn việc tham gia vào quá trình thiết kế chương trình giảng dạy trong quá trình đào tạo, hay các hoạt động nghiên cứu phát triển thì gần như rất là ít", bà Xuân Quỳnh dẫn chứng.
Liên quan đến cầu lao động, bà Xuân Quỳnh cho biết, có hai khu vực tạo ra nhu cầu lao động, đó là các đơn vị hành chính sự nghiệp công và khu vực sản xuất kinh doanh. Trong khu vực sản xuất kinh doanh, các thành phần chính tạo việc làm chủ yếu là khu vực DNNN, DN ngoài Nhà nước, DN FDI, cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động. Năm 2018 so với 2017, việc làm chủ yếu từ các cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp và đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế nhưng việc làm lại chủ yếu là việc làm phi chính thức.
"Như vậy, chất lượng việc làm chưa được tốt. Tuy nhiên, chất lượng việc làm cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đã giảm trong suốt 2015 đến năm 2019, riêng trong năm 2020 tăng lên do những yếu tố bất thường bởi đại dịch Covid-19. Đây là dấu hiệu tích cực về tạo việc làm cũng như chất lượng việc làm trong nền kinh tế", bà Xuân Quỳnh nhìn nhận.
Về thực trạng khớp nối cung - cầu lao động trên thị trường lao động: Hệ thống dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm gồm các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước chủ yếu cung cấp lao động chính thức. Khu vực lao động chính thức chiếm tỷ lệ rất lớn nhưng gần như bỏ ngỏ trên thị trường lao động hiện nay. Đây là hạn chế của các tổ chức trung gian thị trường lao động tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, các công ty dịch vụ việc làm của tư nhân chủ yếu là các lao động có tay nghề cao, lao động của các DN FDI.
Ngoài ra, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức ng khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động từ làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn, từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao, từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao hơn. Nhận thức của người lao động về BHXH và BHTN đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN tự nguyện đã tăng nhiều so với trước.
Đánh giá chung về thị trường lao động, bà Xuân Quỳnh cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động. Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động, chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.
Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của CIEM, đồng thời nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động, qua đó thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Các đại biểu kiến nghị, trong giai đoạn tới phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về chính sách tiền lương cho người lao động và về phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, BHXH cho người lao động để thúc đấy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Cột tin quảng cáo