Chính sách

Tiếp tục duy trì hay thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

DNVN - Khuyến nghị về giải giảm thiểu tiêu cực tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraina tới nền kinh tế Việt Nam, TS Cấn Văn Lực và và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc phương án duy trì hay thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Quỹ bình ổn xăng dầu tại Petrolimex còn gần 3.000 tỷ đồng / Giảm nhẹ "xả" quỹ bình ổn, xăng dầu giữ giá ổn định

Theo TS Cấn Văn Lực và và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tiến trình phục hồi kinh tế thế giới vốn đã gập ghềnh do dịch bệnh COVID-19, nay càng trở nên khó khăn khi chiến sự Nga - Ukraina nổ ra và hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga của các nước phương Tây được áp dụng.

Dự báo, căng thẳng địa chính trị Nga, Ukraina và phương Tây có thể còn phức tạp, khó lường, với các biện pháp trả đũa lẫn nhau ngày càng gia tăng không chỉ làm xấu đi tình hình kinh tế Nga và Ukraina, mà còn kéo theo hệ lụy toàn cầu và trung - dài hạn như giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hệ thống tài chính, thanh toán quốc tế bị xáo trộn…

Chiến sự Nga - Ukraina khiến hệ thống tài chính, thanh toán quốc tế bị xáo trộn.

Với vai trò quan trọng của Nga trong cung cấp xăng dầu và khí đốt cho thế giới, các lệnh trừng phạt Nga đã khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt. Giá dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2022, ít nhất cho đến khi các bên liên quan tìm được giải pháp tháo gỡ tích cực cho xung đột Nga - Ukraina.

Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022).

Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 0,2-0,3 điểm % và lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4-0,5 điểm %.

Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trích dẫn đánh giá của Ngân hàng JP Morgan Chase & Co. (Mỹ), với bối cảnh khó lường liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraina, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm khoảng 1 điểm % (tức GDP toàn cầu dự báo chỉ tăng 3-3,5% từ mức 4-4,5% dự báo đầu năm) và lạm phát toàn cầu tăng thêm 1 điểm % (lên mức 4,3-4,7%).

Ở kịch bản tiêu cực hơn, các định chế quốc tế nhận định, nếu cuộc xung đột kéo dài, giá dầu sẽ bị đẩy lên mức 150-185 USD/thùng, khi đó tác động còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraina, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraina và động thái, chính sách của phương Tây để có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.

Chính phủ, bộ, ngành cần tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022.

Đồng thời, tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt Chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.

Về điều hành, kiểm soát giá xăng dầu, Bộ Công thương cần phối hợp cùng các cơ quan liên quan có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu).

Điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đề xuất tăng tần suất điều chỉnh giá xăng dầu (thay vì 10 ngày như hiện nay).

Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp đối với việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cân nhắc cả phương án có nên duy trì hay không hay đưa ra giải pháp thay thế?

Chính phủ nên cân nhắc phương án duy trì hay thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Về lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược tăng tính tự cường, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, tăng năng lực dự trữ và năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở thông tin, dữ liệu và khoa học hơn.

Về khắc phục khó khăn trong thanh toán quốc tế, chuyển tiền với Nga, NHNN cần phối hợp với cơ quan liên quan có đánh giá tác động của việc Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT, khả năng hệ thống thanh toán thay thế của Nga, để có chính sách, giải pháp hỗ trợ các định chế tài chính, doanh nghiệp XNK Việt Nam. Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển kênh thanh toán song phương Việt – Nga (có thể qua Ngân hàng LD Việt - Nga - VRB) một cách an toàn, hiệu quả.

Các hiệp hội ngành nghề, tổ chức tài chính Việt Nam nên tăng cường tư vấn doanh nghiệp, thiết kế dịch vụ phù hợp bối cảnh mới. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm