Thị trường

Doanh nghiệp "hưởng ứng" bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng Quỹ bình ổn xăng dầu cũng như là “quỹ lớp”, thay vì “treo” đó thì bỏ quỹ đi để giá xăng dầu đươc linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường hiện nay.

Giá xăng, dầu (2/6): Chạm đáy / Điều hành giá xăng: Hai lần giảm chưa bằng 1 lần tăng

Vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ vừa qua đã đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Đơn vị này cho rằng việc trích lập cho Quỹ với mức 300 đồng/lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi. Bởi bản chất người dân đang phải ứng trước cho quỹ.

Nếu bỏ quỹ, giá xăng dầu trong nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và diễn biến theo xu thế giá thế giới

Nếu bỏ quỹ, giá xăng dầu trong nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và diễn biến theo xu thế giá thế giới

Nhiều ý kiến trái chiều

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.Nếu bỏ Quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới.

Với ý kiến đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu trên, Chính phủ cho rằng xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá.

Do vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên việc bỏ quỹ ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với Việt Nam.

 

Nguyên tắc của quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính, đây chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Nếu đợt vừa qua khi giá điện tăng, giá xăng cũng tăng sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh”, ông Thắng Hải cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngô Văn Tuân – Phó Giám đốc công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình nhận xét, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Vậy việc kiến nghị bỏ quỹ là hợp lý, nhằm giúp giá xăng trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, đồng thời doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh giá trước biến động của thị trường.

“Theo cá nhân tôi, quỹ xăng dầu cũng như "quỹ lớp", thay vì để đó thì bỏ quỹ đi để giá xăng dầu đươc linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường hiện nay”, ông Tuân nhấn mạnh.

Cần minh bạch hóa quỹ

Sự ra đời và vận hành của quỹ bình ổn xăng dầu luôn gây tranh cãi, theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hằng quý của doanh nghiệp. Trong khi thực tế quỹ bình ổn xăng dầu là “vốn chết” lên tới hàng nghìn tỷ đồng nằm tại doanh nghiệp, do không thể sử dụng như vốn kinh doanh. Người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi vì về thực tế tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi.

 

Vậy sử dụng như thế nào cho hợp lý? Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, từng nhấn mạnh, cần có cơ chế minh bạch, công khai việc sử dụng quỹ định kỳ hằng tháng. Mặt khác, quỹ này không nên để tại doanh nghiệp mà nên giao về Kho bạc Nhà nước, chỉ chi theo yêu cầu của Chính phủ hoặc bộ được ủy quyền.

Mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian qua đang bị lạm chi và đây là “nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có”.

Theo ông Bảo, trong điều hành, nếu cơ quan quản lý là Bộ Công Thương tiếp tục quyết định xả quỹ kéo dài sẽ gây bội chi quỹ và đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. “Chúng ta sử dụng quỹ này song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập quỹ cũng cần xem xét lại”, ông Bảo nói.

Cùng quan điểm này, một cựu lãnh đạo doanh nghiệp cho ý kiến: “Quỹ là tiền đóng góp trực tiếp của dân mà không phải từ nguồn khác. Do đó, giá xăng dầu không tăng đợt này thì tăng đợt khác. Bản thân người dân phải đóng tiền khi mua hàng thì có nghĩa là giá bán lẻ phải tăng và CPI đã ngầm tăng rồi. CPI vẫn tăng theo giá thế giới vì nén lúc này lúc khác sẽ bung ra. Hơn nữa, lúc trích quỹ thì thay vì CPI giảm thì lại tăng. Tóm lại là bù trừ cho nhau cả", vị này phân tích.

Theo enternews.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm