Chính sách

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn đậm nét qua những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp

DNVN - Theo TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đậm nét thông qua các nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95% trong năm 2024 / Kinh tế Nhà nước: Yếu tố trọng yếu của định hướng xã hội chủ nghĩa

TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, kể từ Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, qua đó đã giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, mang lại những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, tư tưởng, tinh thần này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chú trọng nghiên cứu đổi mới về nhận thức, lý luận, từ đó có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đậm nét thông qua các nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Trung ương ký ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đáng chú ý, Nghị quyết 10-NQ/TW, Đảng ta xác định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: DNT).
Đặc biệt, thấu hiểu tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển nền kinh tế độc lập và tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký thay Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Với nghị quyết này, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% vào GDP của cả nước, 1/3 thu ngân sách Nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.
Sự quan tâm đặc biệt của Đảng cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam được thể hiện qua Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41) được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023.
Tại Nghị quyết số 41, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Nghị quyết số 41 nêu rõ, mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực VINASME, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Trong đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời năm 2017 là đạo luật cực kỳ quan trọng nhằm nhằm thực hiện thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng đối sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
"Nhờ các quyết sách quan trọng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến nay đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đã có một số doanh nhân đạt tầm cỡ khu vực và thế giới. Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục được phát huy, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế”, TS Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tô Hoài Nam, là người lãnh đạo cao nhất của đất nước trong hơn 13 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện rất sớm căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định của xã hội, của chế độ và sự phát triển lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết với quan điểm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm” là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn thể hệ thống chính trị phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
“Chính tư tưởng và phương châm hành động đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và doanh nhân, doanh nghiệp. Sự chuyển biến này là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo điều kiện để các doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho xã hội, đóng góp ngày một nhiều hơn vào ngân sách nhà nước”, Phó Chủ tịch Thường trực VINASME chia sẻ.
Tổng Bí thư cũng đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương tôn vinh những cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp cho doanh nhân; nâng cao trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội... góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam hôm nay.
"Những phẩm chất cao đẹp, bản lĩnh và trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và sẽ là tấm gương, là nguồn cổ vũ to lớn, là phương châm hành động để toàn thể hệ thống chính trị của Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và toàn thể cán bộ VINASME quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế đất nước, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế", TS Tô Hoài Nam khẳng định.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm