Chính sách

Kinh tế Nhà nước: Yếu tố trọng yếu của định hướng xã hội chủ nghĩa

DNVN - Qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế Nhà nước không ngừng phát triển, trở thành yếu tố cơ bản, trọng yếu của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tập đoàn kinh tế nhà nước những mảng “sáng” và “tối” / Cần rút ra bài học phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước từ mô hình Viettel

Tại hội thảo "Thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới” do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 10/7, các chuyên gia nhận định qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế Nhà nước không ngừng phát triển, trở thành yếu tố cơ bản, trọng yếu của định hướng xã hội chủ nghĩa. Góp phần to lớn đối với xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng cho đất nước.

Các chuyên gia tham dự hội thảo bàn sâu về thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp Nhà nước hiện cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Lĩnh vực xăng dầu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến, khai thác dầu khí, các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG) toàn quốc, đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm.

Doanh nghiệp Nhà nước cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của kinh tế Nhà nước còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung còn hạn chế.

Tham luận tại hội thảo, PGS,TS Trần Kim Chung - Thư ký khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương chỉ rõ những mặt hạn chế của khu vực kinh tế Nhà nước. Đó là chưa đạt mục tiêu “nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước” đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.

Hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước thấp hơn hiệu quả đầu tư bình quân chung của nền kinh tế và thấp hơn so với khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI...

Cụ thể, đây là lực lượng chính trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, nhưng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ này chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và của nền kinh tế...

Nhấn mạnh một số giải pháp nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045, ông Chung khuyến nghị cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc kinh tế Nhà nước. Trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tránh hai khuynh hướng sai lầm là hoặc coi nhẹ doanh nghiệp Nhà nước, muốn tư nhân hóa tràn lan; hoặc bảo thủ, muốn duy trì toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước, không muốn tổ chức sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Đối với các bộ phận phi doanh nghiệp trong khu vực kinh tế Nhà nước, phải được quản lý, sử dụng hợp lý để thực sự trở thành công cụ đắc lực cho Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường phát triển cho tất cả các thành phần kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Đồng thời, theo ông Chung, phải quy định rõ tính chất kinh doanh và tính chất công ích của bộ phận doanh nghiệp Nhà nước trong từng điều kiện, hoàn cảnh. Từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, khắc phục sự không rõ ràng giữa nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.

“Để nâng cao tính hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước, xứng đáng là bộ khung trong hệ thống các doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, cần nâng cao tính hạch toán, tính chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác. Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân được tiến hành sản xuất kinh doanh bình đẳng”, ông Chung khuyến nghị.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm