Chính sách

TP.HCM: Hạn chế các cuộc thanh tra liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

DNVN - Chính quyền TP.HCM yêu cầu các cơ quan cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nắm rõ tình hình, thực trạng các doanh nghiệp, chủ động giải quyết ngay các nội dung hỗ trợ thuộc thẩm quyền; hạn chế, giảm tối đa tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng hỗ trợ DN hậu Covid-19 / TP.HCM: Điều chỉnh giảm hơn 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư công với 433 dự án

Trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho đến nay, Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro từ bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước.

Bên cạnh rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu thì những thách thức từ nội tại như: ngành công nghiệp, xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng; các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn; lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn của dịch bệnh và bị ảnh hưởng nặng nề; tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn này, mới đây UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp như: Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; tận dụng cơ hội thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ. Đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và sớm trước quy định. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nắm rõ tình hình, thực trạng các doanh nghiệp, chủ động giải quyết ngay các nội dung hỗ trợ thuộc thẩm quyền; hạn chế, giảm tối đa tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với các giải pháp như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ… Cũng như phối hợp triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, không để doanh nghiệp từ tạm ngưng hoạt động trở thành giải thể do thiếu vốn.

Mặt khác, thúc đẩy xuất khẩu theo hướng xác định cụ thể mặt hàng gắn kết theo từng thị trường, trong đó chú trọng đến các thị trường đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh và các thị trường mà Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do như CPTPP, EVFTA…

Song song đó, phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, Hiệp hội thương mại điện tử, hội ngành hàng, các sàn thương mại điện tử… xây dựng các chương trình thúc đẩy hình thức xúc tiến trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hoạt động xúc tiến, bán hàng thông qua phương thức thương mại điện tử.

Riêng lĩnh vực du lịch, UBND TP.HCM yêu cần các cơ quan liên quan phải hỗ trợ công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch… để các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch.

Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm