Triển khai các đề án về dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp ưu tiên
Trung tâm thương mại bán buôn hàng công nghiệp phụ trợ đầu tiên ở Việt Nam / Trung tâm thương mại bán buôn hàng công nghiệp phụ trợ đầu tiên ở Việt Nam
Ngày 5/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH.
Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.
Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra. Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%).
Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.
Với gần 60 bài tham luận đăng kỷ yếu hội thảo, 5 báo cáo chính và ý kiến trao đổi của 10 diễn giả tại phần thảo luận, một số nội dung chính đã được thống nhất cao trong hội thảo.
Đó là khẳng định CNH, HĐH là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mô hình CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, CNH, HĐH dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực.
Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.
Chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông.
Cùng với đó là tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.
Đặc biệt, cần xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo