Chính sách

Triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển năng lượng nguyên tử

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó tạo động lực để Việt Nam có một nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử.

Thủ tướng chỉ đạo tăng tốc triển khai giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa / Cá cược bóng đá phi pháp làm thất thoát hàng tỷ USD

Sau 8 năm tạm dừng Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tại kỳ thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam; đồng thời cho nghiên cứu các chương trình phát triển điện hạt nhân. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85.000 MW, cần có thêm khoảng 70.000 MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000 MW. Đến năm 2050, tổng cộng suất cần đạt 400.000 đến 500.000 MW.

Liên quan đến dự án này, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện thể chế pháp luật.

"Rất mừng là tại kỳ họp vừa rồi của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, trong tuần này, Chính phủ họp đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử, cũng là một cơ sở liên quan đến các vấn đề nội dung cơ bản, liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân. Với hành lang như vậy, về cơ bản đã đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11. (Ảnh: VGP).

Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ban chỉ đạo dự kiến do đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể triển khai dự án, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII. Đây là một cơ sở pháp lý cơ bản trong vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Quốc hội và Trung ương.

"Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn chủ đầu tư triển khai thực hiện nhà máy điện hạt nhân. Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện", ông Tân nói.

Bộ Công Thương đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu và sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương để thuận lợi nhất cho quá trình triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Hiện về cơ bản, dự án đã đạt được sự đồng thuận rất cao nên có rất nhiều thuận lợi. Tuy vậy, cũng có một số thách thức liên quan đến lựa chọn công nghệ, bảo đảm an toàn, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là khuyến cáo của các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

"Về xác định tổng mức đầu tư, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tại, chúng tôi dự kiến sơ bộ con số chưa phải chính xác nhưng chắc chắn cũng phải hàng tỷ đô. Tổng mức đầu tư còn phải tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toàn", Thứ trưởng chia sẻ.

Theo ông Tân, việc triển khai dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có 3 lợi ích chính. Thứ nhất, Việt Nam sẽ tạo được nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn kép hiện nay trong xu thế phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Với sự phát triển của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện xanh, sạch khác, đây là điều kiện tốt bảo đảm lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn kép vừa là nền, vừa xanh sạch.

Thứ hai, có một nguồn năng lượng an toàn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không chỉ ở Ninh Thuận mà còn vùng xung quanh và đáp ứng nhu cầu toàn quốc. Thậm chí, tương lai với sự phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch, còn có thể hướng tới xuất khẩu.

Thứ ba, tạo động lực để Việt Nam có một nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử. Đây là khoa học nền tảng và tương lai còn phát triển, kéo theo cả một ngành công nghiệp cũng như nguồn nhân lực cao để phát triển đất nước.

Trước đó, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận liên quan quá trình triển khai đầu tư Dự án điện hạt nhân ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn.

Phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Cùng đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn người dân Ninh Thuận chia sẻ nguồn lực để xây dựng dự án điện hạt nhân, qua đó góp phần phát triển đất nước.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm