Chính sách

VCCI lo ngại những rào cản từ Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ

DNVN - Theo VCCI, những quy định chưa phù hợp tại Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo cần được sửa đổi, giải thích rõ hơn hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tế, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Kiến tạo không gian phát triển mới cho mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa / Kiến nghị giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng bão Yagi

Nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội vừa đưa ra một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo.

Về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (Điều 7), VCCI cho rằng, dự thảo đang thiết kế chưa phù hợp với quy định tại Khoản 10 Điều 56 Luật Đường. Luật này quy định không giới hạn số lượng người thuê xe vận tải (nhiều người có thể thuê một chuyến xe), miễn là thuê cả chuyến xe.

Tuy nhiên theo Dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến đường phố.

Với nhiều người thuê xe vận tải và cùng thuê cho cả chuyến xe thì việc xác nhận đặt chỗ, theo lịch trình, hành trình thỏa thuận cố định với đơn vị kinh doanh vận tải là phù hợp với quy định tại Luật Đường bộ.

Theo VCCI, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo còn. những rào cản, quy định chưa phù hợp với thực tế triển khai.

"Mặt khác, bản chất của hợp đồng là theo các thỏa thuận của các bên trong cung cấp dịch vụ. Việc đặt ra các hạn chế trên là chưa phù hợp với bản chất của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi hoạt động. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Dự thảo", VCCI kiến nghị.

Với quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 11), VCCI cho biết, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã quy định thêm điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo, người trực tiếp điều hành phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn đối với “hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc”. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa khác phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 3 năm trở lên hoặc là chủ hộ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải.

"Đây được xem là rào cản kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ và cần phải được giải trình rõ hơn về vấn đề này", VCCI nêu.

Quy định chưa phù hợp với thực tế

Điều 13 Dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô phải sở hữu hoặc có quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản.

VCCI cho rằng, điều kiện này chưa phù hợp đối với đơn vị kinh doanh chỉ cung cấp phần mềm kết nối giữa bên vận tải và khách hàng, vì đơn vị này không sở hữu xe cũng như không có quyền sử dụng đối với phương tiện vận tải. Trên thực tế, những đơn vị cung cấp phần mềm này cũng đang thực hiện thủ tục để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Để bảo đảm phù hợp với thực tế, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phù hợp đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Dự thảo, trong hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa phải cung cấp số định danh cá nhân của người đại diện ký hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải và số định danh cá nhân của hành khách hoặc người thuê vận tải.

Theo doanh nghiệp phản ánh, quy định này là chưa phù hợp với việc vận tải qua hợp đồng điện tử, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải qua ứng dụng phần mềm kết nối.

Để thực hiện yêu cầu này, doanh nghiệp phải sửa đổi, nâng cấp hệ thống để thực hiện việc thu thập và lưu trữ số định danh cá nhân (căn cước công dân) của hàng chục triệu hành khách, đối tác tài xế và người đại diện ký hợp đồng của các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện đang hợp tác với doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối để cung cấp dịch vụ.

Doanh nghiệp cũng sẽ gặp vướng mắc, khó khăn trong trường hợp hành khách, người thuê vận tải là khách du lịch, người nước ngoài không có số định danh cá nhân (căn cước công dân).

Đối với hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài, thông tin giấy tờ tùy thân là thông tin bảo mật quan trọng của họ, và họ sẽ không muốn cung cấp các thông tin này cho nền tảng và các bên liên quan chỉ để đi một chuyến xe.

"Do đó, quy định này sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi triển khai trên thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định phải cung cấp số định danh cá nhân trong hợp đồng vận tải hành khách", VCCI đề xuất.

Ngoài ra, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm điểm chưa có đơn vị khai thác...

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm