Chính sách

Lần thứ 4 trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế về kinh doanh xăng dầu

DNVN - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ đã tổ chức 4 lần lấy ý kiến các bộ, ngành, thông qua cả hình thức văn bản lẫn thảo luận trực tiếp. Đây cũng là lần thứ 4 Bộ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi các Nghị định 83, 95 và 80 với mục tiêu đưa ra một phương án hoàn chỉnh nhất, phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn là câu chuyện dài hạn / Doanh nghiệp ngừng mua cá ngừ vằn, ngư dân cầu cứu

Theo công văn ban hành ngày 20/9, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo: "Bộ Công Thương chủ trì, làm việc trực tiếp với các Bộ, cơ quan như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tư pháp, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các bên liên quan để rà soát, thống nhất những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện một số nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và quản lý nhà nước, đồng thời hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền."

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 2/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị nhằm trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong các văn bản quy phạm pháp luật, xăng dầu được xác định là một mặt hàng chiến lược. Cùng với điện và khí đốt, xăng dầu được ví như "bánh mì" của nền kinh tế.

Xăng dầu luôn là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Do đó, các điều kiện trong dự thảo nghị định không chỉ bảo đảm cơ chế thị trường mà còn phải tuân thủ cơ chế quản lý của Nhà nước.

Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến từ các bộ, ngành qua cả văn bản và các cuộc họp trực tiếp. Đồng thời, đây cũng là lần thứ 4 Bộ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi các Nghị định 83, 95, và 80 với mục tiêu hoàn thiện phương án phù hợp nhất với tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Ban biên soạn và Tổ biên tập, vẫn còn một số vướng mắc mặc dù trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã tuân thủ nghiêm ngặt các quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Các vướng mắc này chủ yếu liên quan đến việc thực hiện cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu, với mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, đồng thời vẫn duy trì sự kiểm soát của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế quan trọng.

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng và tiếp thu các ý kiến phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, quy định pháp luật hiện hành, cũng như thực tiễn quản lý kinh doanh xăng dầu trong những năm qua.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ban soạn thảo sẽ tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng tôn trọng cơ chế thị trường nhiều nhất và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Vừa qua, cộng đồng hơn 150 doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu (gọi chung là nhóm thương nhân) đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo nhóm thương nhân, dù đã có nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là phản hồi sâu rộng từ báo chí và truyền thông, Ban soạn thảo đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định lần thứ 4 và Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ vào ngày 6/8/2024.

"Tuy nhiên, nhiều vấn đề cơ bản mà chúng tôi đã góp ý vẫn chưa được sửa đổi. Nếu tiếp tục giữ nguyên các nội dung này, sẽ khó có thể mang lại những thay đổi tích cực hay tạo ra hiệu quả trong quản lý thị trường xăng dầu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", nhóm thương nhân nêu rõ.

Nhóm thương nhân kiến nghị Thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng và đặc biệt là Bộ trưởng Công Thương xem xét điều chỉnh dự thảo nghị định theo hướng đổi mới phương thức và cơ chế quản lý, nhằm bảo đảm tuân thủ đúng khung khổ pháp luật hiện hành, hướng tới xây dựng một thị trường xăng dầu vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng.

Nhóm cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu theo chỉ đạo tại Công văn 5124/VPCP, đồng thời yêu cầu sửa đổi dự thảo nghị định để cho phép thương nhân phân phối mua xăng dầu từ các thương nhân phân phối khác như đã quy định trong Nghị định 95/2021.

Ngoài ra, nhóm đề xuất bỏ quy định phân loại thương nhân và thay bằng quy định điều chỉnh tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với điều kiện và tiêu chuẩn kinh doanh dựa trên từng hoạt động cụ thể. Họ cũng đề nghị xem xét lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do hoạt động không hiệu quả và tạo thêm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp.

Nhóm thương nhân cũng kiến nghị Thủ tướng và các phó thủ tướng, yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Ban soạn thảo tạm dừng việc trình phê duyệt nghị định, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia cho các dự thảo tiếp theo. Họ cũng đề xuất lập báo cáo đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là từ nhóm thương nhân trực tiếp chịu tác động của nghị định sửa đổi này.

Trong trường hợp Chính phủ quyết định ban hành một văn bản pháp luật toàn diện về kinh doanh xăng dầu, các thương nhân đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh xăng dầu để đảm bảo tính chặt chẽ và sự tuân thủ của hệ thống pháp luật.

Thu Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm