Chứng khoán

Chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn về chứng khoán phái sinh

(DNVN) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã chính thức được ban hành.

UBCKNN cho biết, ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Trên cơ sở Đề án, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định số 42/2015/NĐ-CP) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP. 

Theo UBCKNN, Thông tư số 11/2016/TT-BTC được ban hành tạo cơ sở pháp lý để triển khai vận hành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn về chứng khoán phái sinh.

Theo đó, Thông tư số 11/2016/TT-BTC bao gồm 6 Chương, 30 Điều và tập trung vào các nội dung sau:

Một là, về các sản phẩm chứng khoán phái sinh, trong đó quy định việc thiết kế, niêm yết và tổ chức giao dịch hai sản phẩm chứng khoán phái sinh cơ bản của thị trường là: Hợp đồng tương lai chỉ số và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Hai là, về hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh, theo đó hướng dẫn nhà đầu tư từ việc:  mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh (nơi mở, hợp đồng mở tài khoản..); thực hiện hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh; quản lý tài sản ký quỹ của nhà đầu tư; hoạt động thanh toán của nhà đầu tư khi giao dịch chứng khoán phái sinh (thanh toán lãi lỗ vị thế, thanh toán khi thực hiện hợp đồng..).

Ba là, về tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Thông tư quy định cụ thể: trình tự thủ tục, hồ sơ hướng dẫn các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh hoặc cung cấp dịch vụ bù trừ, giao dịch chứng khoán phái sinh; trình tự thủ tục, hồ sơ việc đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh hoặc cung cấp dịch vụ bù trừ, giao dịch chứng khoán phái sinh.

Bốn là, về hoạt động của thành viên giao dịch, thành viên bù trừ, thành viên tạo lập thị trường với các quy định nguyên tắc về: quyền và nghĩa vụ; hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; hoạt động quản lý tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ; các biện pháp xử lý khi thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.

 

Năm là, về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Như vậy, có thể nói Thông tư số 11/2016/TT-BTC được ban hành, cùng với việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đem đến những tác động tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo đó, việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh sẽ bổ sung công cụ cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với việc sử dụng các Hợp đồng tương lai chỉ số, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trong phòng ngừa cho danh mục đầu tư.

Tác động tích cực đến các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán của các tổ chức kinh doanh chứng khoán gắn liền với quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Cụ thể các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ phải nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng các tiêu chí cao hơn về vốn, quản trị công ty, quản trị rủi ro, nhân sự, hệ thống công nghệ để được chấp thuận làm thành viên trên thị trường chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, Thông tư cũng tạo tiền đề cho sự ra đời và vận hành của Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP- Central CounterParty). Đây là mô hình tổ chức mới ở Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc hạn chế rủi ro thanh toán cho thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng và cho thị trường phái sinh nói chung, góp phần đảm bảo an toàn và ổn định cho nền tài chính.

Đồng thời,việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh cũng sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư theo hướng gia tăng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết cao hơn vì chứng khoán phái sinh là sản phẩm phức tạp, thường dành cho các nhà đầu tư có tổ chức.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo