Tin tức - Sự kiện

Chính thức có KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản

Công văn 109/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ đồng ý chọn Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản, ban hành ngày 7/1/2014 đã bước đầu cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, mà trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương được chọn làm điểm nhấn.

Chú trọng thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ

Điều đó sẽ góp phần giúp Bà Rịa - Vũng Tàu sớm thực hiện được giấc mơ trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là lực lượng chủ chốt để cung cấp các sản phẩm trung gian cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ công nghệ cao.
 
Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 có thể thu hút đầu tư thuộc nhiều ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Ảnh: M.L
 
KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản sẽ thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp quy mô lớn, trình độ công nghệ cao.
 
Việc KCN Phú Mỹ 3 được Chính phủ đồng ý chọn để xây dựng KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ sở để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản là được đầu tư vào các KCN có đầy đủ các tiện ích, phù hợp với văn hóa và thói quen của người Nhật.
 
KCN Phú Mỹ 3 được quy họach và thiết kế bởi các công ty của Nhật và đã khởi công xây dựng từ tháng 6/2013. KCN Phú Mỹ 3 có thể thu hút đầu tư thuộc nhiều ngành từ công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, như hóa dầu, hóa chất, vật liệu cơ bản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, khuôn mẫu…
 
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3, trong tổng số diện tích 999 ha của KCN này, có 200 ha của giai đoạn đầu sẽ được ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng và chủ đầu tư sẽ cố gắng hoàn thiện trước 70 ha để có thể bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng vào quý III/2014. Hạng mục trạm xử lý nước thải công suất 13.500 m3/ngày đêm sẽ được hoàn thiện vào quý II/2015 để phục vụ các nhà máy khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tích cực hợp tác với nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản có năng lực và kinh nghiệm quản lý khai thác KCN để cùng phát triển thành công KCN chuyên sâu này. Cũng trong chương trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp (CCN) Đá Bạc, với diện tích 75 ha, đã khởi công từ tháng 5/2013. Đây là bước tiến mới trong việc thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với TP. Kawasaki (Nhật Bản).
 
Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cũng như chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 và CCN Đá Bạc về việc xây dựng và áp dụng cơ chế “một cửa” để hạn chế phiền hà về mặt thủ tục, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, bao gồm hỗ trợ thành lập công ty và xin cấp giấy phép đầu tư, hỗ trợ dịch thuật, thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan, logistics, kho bãi, hỗ trợ tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiệp vụ kế toán, thủ tục kê khai thuế...
 
Xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực
 
Hiện nay Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 52 dự án cảng, trong đó, có 26 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 76,5 triệu tấn hàng hóa/năm, 9 dự án cảng đang triển khai xây dựng, 17 cảng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hầu hết các cảng nước sâu này đều tập trung ở khu vực sông Thị Vải - Cái Mép, rất thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ cảng, vận tải biển, dịch vụ logistics. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực này dự kiến chiếm ít nhất 50% tổng lượng hàng hóa qua các cảng biển cả nước. Hệ thống Cảng quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải được đánh giá là cảng trung chuyển nước sâu hiện đại, được đầu tư đồng bộ, có vị trí địa lý thuận lợi vào bậc nhất ở Đông Nam Á để tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 100.000 DWT, với công suất 600.000 - 700.000 TEU/năm. Theo kế hoạch, sau năm 2015, toàn bộ cảng biển tại khu vực sông Sài Gòn sẽ được di dời đến khu vực sông Cái Mép - Thị Vải.
 
Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép một số hãng tàu nước ngoài chuyên chở hàng xuất khẩu từ Hải Phòng, Quy Nhơn, Đà Nẵng vào chuyển tải qua tàu mẹ chính hãng ở hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Điều này có nghĩa là nguồn cung hàng hóa từ miền Bắc, miền Trung sẽ vào Cái Mép - Thị Vải, thay vì trước đây trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông, Malaysia…
 
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng đã trung chuyển hàng hóa từ các nước Đông Nam Á, nhiều nhất là từ Campuchia, năm 2013 đạt khoảng 100.000 TEUs. Dự báo, khối lượng hàng trung chuyển từ thị trường Campuchia tăng khoảng 50%/năm.
 
Ông Hồ Văn Niên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thành xây dựng Trung tâm Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung tại khu vực Cái Mép, triển khai thủ tục hải quan điện tử; phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép, đầu tư xây dựng các tuyến trục chính kết nối như đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép. Từ nay đến năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics có quy mô hiện đại, đầu tư đồng bộ, ngay phía sau khu cảng Cái Mép và khu dự trữ Sao Mai - Bến Đình.
 
Trong Đề án Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030, có 5 chương trình trọng tâm, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics; Quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics; Phát triển tổng thể cơ sở hạ tầng giao thông - vận tải và hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển logistics và Xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ logistics. Tỉnh đang xem xét quy hoạch xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với mục tiêu xây dựng một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống logistics toàn cầu.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo