CHK Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ song song hoạt động
Cơ quan chức năng sẽ tính toán phương án khai thác, kết nối hợp lý nhất để tối đa hoá hiệu quả của hai cảng hàng không (CHK) này. Nếu có Long Thành, chỉ tính riêng phần khách quốc tế vượt công suất nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ mang lại lợi ích hàng năm tối đa khoảng 5,8 tỷ USD/năm.
Khách qua cảng hàng không liên tục tăng 2 con số
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, Việt Nam hiện đang khai thác 21 CHK, sân bay phục vụ hàng không dân dụng (gồm 7 CHK quốc tế, 14 CHK, sân bay nội địa) trong tổng số 26 CHK được quy hoạch, với lượng hành khách thông qua ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2002-2012, lượng hành khách thông qua các CHK Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm. Theo số liệu thống kê năm 2013, lượng hành khách thông qua lên mức hơn 44,5 triệu hành khách và 760 nghìn tấn hàng hóa, tăng 17,3% và 17,2% tương ứng so với năm 2012.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ ba trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ICAO cũng dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống CHK của Việt Nam đạt tương ứng 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm. Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là TP HCM được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua vào năm 2030.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, trong vòng 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% về hành khách và 12,9% về hàng hóa. Năm 2013, cảng này đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm và chắc chắn sẽ quá tải vào những năm sau đó. Đến năm 2025 sản lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất sẽ đạt 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách.
“Hiện nay, tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải. Nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một CHK là rất cấp thiết”, ông Hùng khẳng định.
Không xây CHK Long Thành sẽ lỡ cơ hội đón 28,4 triệu hành khách
Nhấn mạnh việc mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40-50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025-2030 là không khả thi, ông Hùng cho biết, công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất chỉ 25 triệu hành khách/năm. Dự báo đến năm 2030 sẽ có 53,4 triệu hành khách qua CHK này. Điều này có nghĩa là nếu không phát triển CHK quốc tế Long Thành, 28,4 triệu hành khách vượt công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất sẽ phải dừng việc đi lại hoặc lựa chọn phương thức giao thông khác để đến TP HCM.
“Nếu có Long Thành, chỉ tính riêng phần khách quốc tế vượt công suất nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ mang lại lợi ích hàng năm tối đa khoảng 5,8 tỷ USD/năm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng đó, ông Hùng cũng khẳng định, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và CHK quốc tế Long Thành sẽ hoạt động song song. Cơ quan chức năng sẽ tính toán phương án khai thác, kết nối hợp lý nhất để tối đa hóa hiệu quả của 2 CHK này.
Trước đó, trước những e ngại về việc đóng cửa CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang khẳng định, điều này hoàn toàn chưa được tính đến và nếu có chắc cũng phải sau năm 2050. Hơn nữa, ông Cang cũng cho rằng, nếu có Long Thành, chỉ cần tổ chức hoạt động khai thác hợp lý, 2 CHK hỗ trợ cho nhau rất tốt.
Theo Giao thông vận tải
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cột tin quảng cáo