Cho sinh viên học sư phạm vay vốn: Lo thành con nợ trong cảnh thất nghiệp!
Bộ GD&ĐT vừa giới thiệu một số nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đối với chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để đưa ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới.
Theo đó, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Bản thân tôi thấy việc thay đổi này dựa trên những lập luận không xác đáng, chưa giải quyết được bản chất vấn đề và vẫn chưa thực sự thu hút người học trong bối cảnh sức hút của ngành sư phạm đang giảm sút như hiện nay.
Căn cứ không thuyết phục
Hiện nay, số sinh viên sư phạm thất nghiệp khoảng 200 000 người. Đây là một con số rất lớn và đáng báo động. Bộ GD&ĐT coi đây là một căn cứ để cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là không hiệu quả.
Thật sự đã có một sự lãng phí lớn về chi phí đào tạo, về nhân lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, lỗi không thuộc về người học.
Là một trong số những người được hưởng chính sách miễn học phí, hơn 20 năm qua, từ khi làm sinh viên sư phạm, tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề giáo.
Tôi tin rằng, tuyệt đại đa số các sinh viên sư phạm cũng nghĩ như vậy. Các em cũng phải có tình yêu với nghề, có ước mơ làm giáo viên thì mới chọn ngành sư phạm.
Việc chuyển đổi ngành nghề hoặc thất nghiệp là điều không cử nhân sư phạm nào mong muốn, trong trường hợp này các em chỉ là nạn nhân của vô vàn những bất cập.
Bất cập lớn nhất là khâu tuyển dụng giáo viên: Cách làm như hiện nay không tuyển được người tài thực sự, nảy sinh rất nhiều tiêu cực. Bởi thế mới có hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Theo cục nhà giáo, cả nước hiện nay dôi dư 27000 giáo viên, trong khi lại thiếu 45000 người.
Bên cạnh đó là những bất cập trong dự báo nhân lực, quy hoạch mạng lưới trường học, và đặc biệt là chế độ tiền lương cho giáo viên.
Gây tâm lí hoang mang, lo lắng “kép” cho sinh viên sư phạm
Thực ra, lo lắng lớn nhất của sinh viên sư phạm là ra trường không có việc làm. Gần 200 000 sinh viên đang thất nghiệp là minh chứng rõ ràng và chua sót.
Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ xóa nợ cho sinh viên nếu ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu bằng số năm đào tạo.
Ngày mới ra trường tôi cũng theo đuổi ý định thi vào biên chế ngành giáo dục. Sau khi tìm hiểu thì tôi thấy nản. Suốt 20 năm nay tôi chỉ dạy trường ngoài công lập. Các bạn cử nhân sư phạm bây giờ còn gặp khó khăn hơn tôi nhiều.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các bạn ra trường mà không xin được việc làm? Ngoài một thực tế là các bạn đang thất nghiệp, các bạn còn là một con nợ.
Nếu tính tiết kiệm thì mỗi tháng một sinh viên cần khoảng 6 triệu đồng trang trải học phí và sinh hoạt phí. Như vậy, sau 4 năm các bạn đang nợ khoảng 240 triệu đồng, chưa kể lãi. Đây là một con số không hề nhỏ, đặc biệt với một người đang thất nghiệp. Do đó, việc thu hồi tiền vay cũng không khả thi.
Những lo lắng ấy là có thật và sẽ là một trong những trở ngại cho ý định thi vào sư phạm của học sinh.
Cần tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm và thêm nhiều ưu đãi cho giáo viên
Ngành giáo dục đang đứng trước một cuộc cách mạng lớn nhằm thay đổi căn bản và toàn diện, nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của công cuộc đổi mới. Cuộc cách mạng này rất cần nhân lực chất lượng tốt, phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đầu vào, siết chặt đầu ra thì nhà nước cần có chính sách đãi ngộ hợp lí với ngành sư phạm, đúng theo tôn chỉ: giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Theo tôi, việc miễn học phí thời gian vừa qua là đúng đối tượng. Hiện nay cũng chỉ có thống kê về số sinh viên sư phạm thất nghiệp, chưa có thống kê nào về số sinh viên cố tình rời bỏ nghề giáo để làm nghề khác.
Cùng với đó, nhà nước cần có chính sách đảm bảo đầu ra cho ngành sư phạm chứ không để cử nhân tự bơi như hiện nay.
Cuối cùng, cần cải thiện bảng lương cho giáo viên, ít ra cũng đủ sống, biến ý tưởng “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” thành thực chất và có hiệu lực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái