CHO VAY ĐÓNG TÀU: Quảng Nam - Thận trọng hết mức!
Kinh nghiệm xương máu
Theo ông Ngô Tấn - Phó GĐ Sở NNPTNT Quảng Nam, chương trình đóng tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Nam trước đây đổ bể do những bất cập trong quy định và thực hiện, là kinh nghiệm xương máu cho tỉnh trong việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ đánh bắt xa bờ thời gian gần đây và đặc biệt là triển khai thực hiện NĐ/67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản hiện nay. Trong thời gian khoảng 1998-2005, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ đầu tư theo chương tình đánh bắt xa bờ tổng số tiền hơn 51,9 tỉ đồng thực hiện 44 dự án đóng mới 49 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, do nhiều bất cập trong triển khai, dự án đã không mang lại hiệu quả, 100% chủ dự án đều nợ quá hạn, không có khả năng thanh toán, tỉ lệ thu hồi vốn rất thấp, nguồn vốn thất thoát lớn.
Theo kết quả thanh tra của thanh tra Nhà nước tỉnh Quảng Nam, quá trình thực hiện chương trình đã xảy ra nhiều sai phạm. Trong tổng số 44 dự án, có 4 chủ dự án không tổ chức sản xuất mà cho thuê tàu sử dụng vào mục đích riêng nên không trả nợ vay. 9 dự án khác sau khi đã rút tiền từ ngân hàng sắm ngư cụ hơn 2,624 tỉ đồng, đã đem bán lấy tiền đầu tư vào các ngành nghề khác và thua lỗ. Ngoài ra, 2 tàu của 2 chủ dự án được Nhà nước đầu tư gần 2 tỉ đồng đã nằm bờ nhiều năm nhưng các ngành chức năng không hề hay biết. Qua thanh tra đã phát hiện một số cán bộ xã, huyện và một số cán bộ tín dụng câu kết với nhau để rút tiền dự án.
Nhiều ngư dân các huyện Núi Thành, Điện Bàn… cho rằng, cái sai lầm nhất trong việc triển khai chương trình trên là việc lựa chọn chủ dự án không đưa ra xét chọn công khai trong dân, mà do lãnh đạo xã bố trí cho bà con thân thích, thậm chí nhiều người không hề đi biển, để vụ lợi cá nhân. Giá trị đầu tư của nhiều chiếc tàu xa bờ vượt nhiều lần giá trị thực. Chủ tàu (người vay tiền) không phải là người trực tiếp đóng tàu theo ý mình, nhiều chủ tàu không trực tiếp làm ăn nên không chịu trả nợ vay. Ông Trương Công Hùng - Bí thư xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cho rằng: “Chương trình thất bại chính bởi ngư dân không được làm chủ dự án một cách thực chất, mà “bị” ngành thủy sản, chính quyền địa phương và ngân hàng thọc tay vào can thiệp quá sâu. Hạn chế này cần phải loại bỏ khi triển khai thực hiện NĐ 67, phải đảm bảo ngư dân làm chủ thực chất chiếc tàu của mình”.
Chống tiêu cực ngay từ đầu
Ông Ngô Tấn cho rằng, các quy định của NĐ/67 cùng các thông tư của các ngành cho thấy có sự vượt trội về cơ chế, tránh được nhiều hạn chế bất cập trước đây. Chương trình này hỗ trợ trực tiếp đến ngư dân, đặc biệt là trao quyền tự chủ tự quyết cho ngư dân về mẫu tàu, cơ sở đóng tàu, số vốn vay, không có sự can thiệp sâu của chính quyền, ngành. Việc quản lý khoa học hơn, các ngành sẽ phải độc lập chịu trách nhiệm.
Đối tượng ngư dân được vay vốn phải đang hành nghề biển, được xét công khai từ cơ sở và UBND tỉnh quyết định. Việc giải ngân vốn do ngân hàng và ngư dân thỏa thuận, chịu trách nhiệm, không có sự tham gia của chính quyền như trước đây. Ngư dân Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), nói: “Để những ngư dân chúng tôi thực sự hưởng lợi từ chương trình này, thì Nhà nước phải lựa chọn thật công bằng, ưu tiên những người thật sự tâm huyết với nghề biển, làm ăn có hiệu quả. Phải chống cho được nạn “cò” dự án và các tiêu cực trong quá trình hỗ trợ, đặc biệt là trình tự thủ tục cần đơn giản dễ thực hiện cho ngư dân có thể tự làm, không nảy sinh tiêu cực như chương trình xa bờ trước đây”.
Còn ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (xã Tam Quang) quan tâm đến vấn đề hậu cần nghề cá: “Nếu đã hỗ trợ ngư dân đóng tàu hiện đại, thì nhà nước cần đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần đồng bộ, và hỗ trợ đào tạo ngư dân để làm chủ trang thiết bị hiện đại trên tàu vỏ sắt. Tránh tình trạng như trước đây, ngư dân được hỗ trợ đóng tàu to nhưng trang thiết bị hiện đại chẳng có, hoặc có mà chẳng biết sử dụng. Rồi tàu không có chỗ neo đậu an toàn vì các âu thuyền chưa được đầu tư, cảng cá không có, ngư dân vẫn phải phụ thuộc vào tư thương, bị ép giá.
Hiện đã có 112 hộ, nhóm hộ ngư dân ở các huyện Thăng Bình, Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ đăng ký đóng mới 115 tàu cá, trong đó có 41 tàu vỏ thép, 74 tàu vỏ gỗ, vượt so với số lượng được phân bổ. UBND tỉnh đang tiến hành thành lập ban chỉ đạo, tổ chức rà soát thu thập ý kiến của ngư dân, tiến hành thẩm định xem xét, khảo sát các mẫu tàu, mẫu thiết kế tàu, địa chỉ đóng tàu để ngư dân tự chọn lựa và trình lên UBND tỉnh để duyệt.
Ông Ngô Tấn cho rằng: “Vấn đề chống nạn “cò dự án”, chống tiêu cực được chúng tôi đặt ra ngay từ đầu và trong suốt quá trình thực hiện chương trình này. Phải giúp ngư dân hiểu rõ đây là tiền do mình vay, không phải Nhà nước cho không, và cũng chẳng ai có quyền ban phát. Quy trình thực hiện chương trình này cũng sẽ được tỉnh ban hành công khai, tránh những “kẽ hở” cho các đối tượng tiêu cực lợi dụng lừa ngư dân”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo