Cho vay nhà ở xã hội đã sẵn sàng giải ngân
Ông có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị để giải ngân những khoản cho vay đầu tiên của chương trình cho vay nhà ở xã hội?
Tới thời điểm này có thể khẳng định chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) chính thức sẵn sàng giải ngân cho những khoản vay đầu tiên. Chương trình cho vay này có ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên từ chủ trương của Quốc hội hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ thu nhập thấp ở các đô thị. Bởi trước đó chúng tôi cũng cho vay về nhà ở nhưng là chương trình cho vay nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg.
Với chương trình cho vay của Nghị định 100 có ba đối tượng được vay vốn là cho vay để mua nhà ở xã hội, cho vay để thuê mua nhà ở xã hội và cho vay để sửa chữa nhà ở.
Chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải ngân chương trình tín dụng này cho cán bộ trên toàn hệ thống. NHCSXH đã có kinh nghiệm trong việc phục vụ cho vay lĩnh vực tài chính vi mô. Và khi triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội chúng tôi thực hiện theo hướng đơn giản nhất thủ tục vay vốn. Chẳng hạn người vay đang đi công tác ở tỉnh, thành phố khác cũng có thể nộp vào tài khoản trả nợ tại bất kỳ phòng giao dịch nào của NHCSXH và chúng tôi không thu một đồng phí nào.
Cơ sở nào để đưa ra mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, thưa ông?
Bao giờ người vay cũng muốn vay với lãi suất thấp. Lãi suất thấp quá thì ngân sách Nhà nước phải bù lỗ nhiều. Khi bù lỗ nhiều cũng gây áp lực ngược lại Ngân sách và nguồn vốn bố trí cho vay có thể sẽ thấp đi và ít người được vay. Theo tính toán của chúng tôi thì đây là chương trình cho vay dài, Chính phủ cũng đã đặt ra nguyên tắc khung là lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa bằng hoặc không vượt quá 50% lãi suất của các TCTD cho vay cùng loại với kỳ hạn trung và dài hạn.
Trên cơ sở khung đó thì hiện nay, lãi suất của các NHTM có tham gia cho vay nhà ở xã hội là 5%/năm nên chúng tôi tính toán đề xuất các Bộ, ngành trình Chính phủ mức lãi suất cho vay 4,8%/năm. Lãi suất cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành theo từng năm một. Nhìn trên tổng thể, chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay trong năm nay ở mức như vậy là hợp lý.
Nguồn vốn để giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội được bố trí thế nào, thưa ông?
Trong năm 2018 này ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, thành tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng.
Còn theo kế hoạch duyệt của Chính phủ từ nay đến năm 2020, tổng nguồn vốn Chính phủ cấp cho NHCSXH là 1.163 tỷ đồng và chúng tôi phải huy động đối ứng thêm từng ấy nữa. Như vậy, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng.
Nguồn vốn ít nhưng nhu cầu vay vốn nhiều, ngân hàng có gặp khó khăn trong việc phân bổ vốn về các địa phương?
Nếu dựa trên báo cáo các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội năm nay là khoảng 5.000 tỷ đồng; Còn kế hoạch Bộ Xây dựng và chúng tôi tính toán thì nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đến năm 2020 có thể lên tới 18.000 tỷ đồng. Chúng ta cũng phải rất chia sẻ vì nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay của chúng ta có hạn trong khi có rất nhiều chương trình mục tiêu khác nữa. Trước mắt, có nguồn vốn là 1000 tỷ đồng ngân hàng sẽ phân bổ về cho các địa phương triển khai cho vay. Ví dụ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được phân về mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng; Bắc Giang 30 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng…
Một trong những điều kiện vay vốn khiến nhiều khách hàng băn khoăn là người vay vốn phải gửi tiết kiệm tại NHCSXH tối thiểu 12 tháng?
Với điều kiện này thì chỉ sau khi thủ tục bình xét cho vay xong và xin ký hợp đồng tín dụng thì người vay mới chính thức phải gửi tiền tiết kiệm. Có nghĩa khi chắc chắn khách hàng sẽ ký hợp đồng vay thì mới bắt đầu gửi tiết kiệm.
Khi vay thì khách hàng nhận một khoản tiền lớn để chuyển cho các hợp đồng mua nhà ở xã hội. Trong khi tiền gửi tiết kiệm này là trích từ thu nhập của người vay hàng tháng. Và trong thời gian tối thiếu 1 năm người vay gửi tiết kiệm thì đổi lại chúng tôi ân hạn không thu nợ ngay khoản vay của khách hàng. Số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi càng nhiều càng tốt nhưng phải tối thiểu bằng số tiền trả nợ hàng tháng của một năm.
NHCSXH cũng thiết kế lãi suất tiền gửi tiết kiệm này bằng lãi suất cho vay trong năm đó, như hiện nay là 4,8%/năm. Những quy định gửi tiết kiệm như vậy theo chúng tôi thì khách hàng không gặp khó khăn gì vì đó là tiền tiết kiệm hàng tháng của khách hàng.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo khoản vay giải ngân đúng đối tượng và công bằng, thưa ông?
Trên cơ sở biểu mẫu của Bộ Xây dựng ban hành để xác định người thu nhập thấp cùng với các quy định về các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức thế nào thì được vay vốn. Chúng tôi cũng nghĩ tới chuyện sẽ có chỗ này, chỗ khác tư lợi để ưu tiên cho người nhà mình trong quá trình xét duyệt.
Nhưng hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay hay không là do tổ chức hội đoàn thể, chính quyền xã, phường họp qua rất nhiều vòng. Nếu đủ điều kiện rồi nhưng trong phạm vi nguồn vốn đáp ứng đủ thì chuyển lên ngân hàng giải ngân ngay. Còn nếu người vay đủ tiêu chuẩn vay nhiều hơn nguồn vốn đáp ứng thì tiếp tục chấm điểm thêm các tiêu chí khác. Nếu nhiều người vay bằng điểm nhau thì lại bốc thăm. Cách làm như vậy sẽ đảm bảo người vay trước, người vay sau chứ không phải không được vay.
Còn đối tượng có đúng không thì sẽ do chính xã hội phát hiện và phản biện. Bởi nếu một người ở xã, phường nào đó được vay vốn nhưng không đúng đối tượng thì chắc chắn những người trong xã, phường đó sẽ có ý kiến, phản biện. Và hiện nay tại các điểm giao dịch xã, phường chúng tôi đều có hòm thư góp ý và có đường dây nóng để người dân phản ánh, phản biện.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo