Choáng với clip bạo hành, nhiều cha mẹ cho con nghỉ học
Sau khi xem clip đày đọa trẻ ở Trường mầm non tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhiều phụ huynh đã bị sốc và phẫn nộ với hành vi của các cô bảo mẫu.
Cho con nghỉ học
Chị Linh (Đống Đa, Hà Nội) một phụ huynh có con trai hơn 2 tuổi đang gửi ở một trường mẫu giáo tư ngay lập tức ra quyết định cho con nghỉ học. Hỏi tại sao lại ra quyết định vội vàng như vậy, vẫn còn xúc động sau khi xem clip, chị nghẹn ngào giải thích: Bé Nam nhà chị cứ nói đến đi lớp là khóc, dù bé đã đi lớp được hơn 3 tháng.
Ngày nào vợ chồng chị cũng phải đánh vật một hồi lâu mới đưa được bé đến lớp. Mới hơn 2 tuổi nhưng bé biết nại ra đủ lý do để xin được ở nhà. Đến cửa lớp là bé bấu chặt lấy bố mẹ không chịu vào lớp. Tối về bố mẹ hỏi han chuyện lớp, chuyện cô là bé quay mặt đi, hờn dỗi. Từ khi đi học về nhà bé cũng trầm tính hơn chứ không hồn nhiên, tía lia như trước. Chị Linh cho biết chị không chắc là bé Nam có bị đày đọa ở lớp không vì chị không có đủ thời gian và điều kiện để theo dõi.
Trước nay, vợ chồng chị chỉ nghĩ con thích được ở nhà với bố mẹ vì được nuông chiều, nhưng bây giờ xem xong clip được quay ở Thủ Đức thì chị chắc chắn là bé Nam sợ hãi, không thoải mái khi đến lớp. Chị Linh cho biết, chị sẽ tìm cho con một trường học mới, tốt hơn để bé cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp.
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều khi cha mẹ xao nhãng sự quan tâm đối với bé. Nhiều ông bố bà mẹ sáng sớm, con vừa mở mắt đã đưa đến lớp, con ăn sáng, ăn trưa, thậm chí cả ăn tối ở trường, về nhà với bố mẹ chỉ để ngủ. Bố mẹ không có thời gian hỏi han tìm hiểu chuyện trường chuyện lớp của con mà gần như thời gian ban ngày của bé được phó thác hết cho cô giáo, bảo mẫu.
Để con cái được phát triển tốt về cả thể chất và tinh thần cả ở nhà cũng như ở trường, cha mẹ cần có sự quan tâm nhất định và thường xuyên đối với bé.
Tìm hiểu kỹ về trường lớp
Trước khi quyết định gửi con vào một trường nào đó bố mẹ nên dành thời gian tìm hiểu, khảo sát về nơi đó xem chất lượng trường thế nào, khuôn viên trường có hợp lý an toàn cho con không. Mỗi lớp có bao nhiêu cháu và bao nhiêu cô giáo, bảo mẫu? Cô giáo chăm trẻ có tốt không. Chế độ ăn uống của các cháu ra sao. Có thể tìm hiểu tốt hơn về vấn đề này thông qua những người quen, hàng xóm, những người đã có con gửi ở trường. Tốt nhất nên chọn những trường uy tín và lớp có lắp camera theo dõi. Cơ sở phải được cấp phép hoạt động.
Trường hợp gửi nhà trẻ cho các nhà trẻ tư nhân hoặc người trông trẻ nên tìm hiểu xem bảo mẫu đó có tình yêu thương con trẻ không, đã từng có kinh nghiệm chăm con chưa, tính cách trong cuộc sống hàng ngày của người đó thế nào?
Theo dõi, nắm bắt tâm lý con
Bố mẹ nên theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, tâm lý, tính cách của con sau khi ở trường về. Quan sát cơ thể con khi thay đồ, tắm cho con. Trò chuyện, hỏi về việc trường lớp, các hoạt động của lớp, các món ăn được ăn hàng ngày, các cô giáo thế nào, các bạn ra sao. Nếu trẻ đi học về mà trở nên lầm lì, ít nói hoặc sợ khi nói về lớp, về cô giáo chứ không vui vẻ tươi cười là ít nhiều có chuyện.
Để ý những lời nói hành động của con. Trẻ rất hay bắt chước, bé có thể nhắc lại hoặc diễn lại những lời nói, hành động xảy ra ở lớp.
Nếu có thời gian rảnh rỗi bố mẹ có thể cùng con tham gia hoặc quan sát các buổi học cùng con trên lớp để biết được con được dạy gì, nề nếp lớp ra sao để về nhà sẽ hình thành thói quen vào nề nếp cho con.
Trấn an tinh thần cho bé
Khi bắt đầu có ý định cho bé đi học, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần của bé trước khoảng vài tuần. Hãy cùng bé đi mua sắm vài món đặc trưng của việc đi học như 1 chiếc ba lô nhỏ, vài bộ đồ mới... Hãy nói với bé về việc đi học một cách vui vẻ, thoải mái. Những ngày đầu, nếu điều kiện cho phép, chỉ nên cho bé đi học 1 buổi/ngày, hoặc bố mẹ nên ở lại một chút để quan sát con tham gia vào lớp học như thế nào.
Các chuyên gia tâm lý trẻ em cho rằng, việc hoảng sợ trong lần đầu đi học sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong bé, có thể làm thay đổi tâm sinh lý, tính cách của bé sau đó, vì thế cần hạn chế tối đa làm bé sợ hãi, ấn tượng xấu với việc đi học. Hãy đưa con đến trường với tâm trạng vui vẻ và dặn dò: Con đi học ngoan nhé...! và không quên hẹn gặp/đón con vào buổi chiều để bé yên tâm. Không đưa cô ra dọa con gây cho con sự sợ hãi, lo lắng khiến bé không chịu đi học.
Dạy con tính độc lập, rèn khả năng thích nghi để bé nhanh chóng hòa nhập được với lớp, trường. Chuẩn bị sớm cho con các kỹ năng như biết nhai nuốt (không ăn ngậm) biết ăn cơm, nhai thức ăn thô, biết tự xúc ăn, biết gọi khi cần đi vệ sinh, biết nói để đòi hỏi một vài nhu cầu cần thiết cho bản thân...
Thường xuyên liên lạc với cô giáo, hỏi thăm về tình hình của con để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Cột tin quảng cáo