Chọn xong đất đẹp rồi mới cấp cho dân?
Trong khi đất dự án còn thừa đến hơn 9.000 lô thì gần 1.400 hộ dân bị giải tỏa phải ở nhà thuê gần 3 năm qua, tốn hàng chục tỉ đồng
TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về công tác tái định cư ở 4 quận, huyện: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang. Qua đó, bức xúc được các đại biểu HĐND TP nêu ra là trên địa bàn đang thừa hơn 9.000 lô đất dự án trong khi hàng ngàn hộ dân chưa được bố trí đất tái định cư (TĐC).
Lãng phí 63 tỉ đồng
Theo báo cáo, có 1.389 hộ thuộc diện giải tỏa đã bàn giao mặt bằng, đang chờ đất TĐC với 1.751 lô. Trong khi đó, qua rà soát quỹ đất TĐC đã có hạ tầng nhưng chưa bố trí tại 4 quận, huyện trên là 9.128 lô. Cụ thể, quận Ngũ Hành Sơn nợ 559 lô nhưng số đất còn thừa tại 23 dự án là 2.501 lô. Quận Cẩm Lệ nợ 470 lô và đất thừa là 2.865 lô. Quận Liên Chiểu nợ 509 lô, thừa 725 lô. Riêng huyện Hòa Vang nợ 231 lô nhưng con số thừa lại lên đến 3.037 lô tại 26 dự án.
Ông Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, đại biểu HĐND TP - cho biết việc chậm bố trí đất TĐC không những gây khó khăn cho người dân mà còn lãng phí hàng chục tỉ đồng của ngân sách. Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2012, ngân sách chi cho thuê nhà với các hộ giải tỏa là 28 tỉ đồng, năm 2013 là 17 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm nay là 18 tỉ đồng. Ông Hùng đặt vấn đề có phải các ban quản lý dự án, ban giải tỏa đền bù chọn lựa đất rồi mới cấp cho dân? Ông dẫn chứng đa phần đất nằm ở địa thế không đẹp thì mới mang ra cấp, đất ở vị thế đẹp thì để lại.
Giải quyết dứt điểm trong năm nay
Lý giải tình trạng nói trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban Giải tỏa đền bù số 1, cho biết trong sơ đồ quy hoạch thì có đường 5,5 m, 7,5 m… nhưng nợ đất thì đa số là đường 5,5 m nên không thể bố trí hết được.
Cho rằng ông Tiến chưa nghiêm túc nhận trách nhiệm, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ - cho biết TP đã có chủ trương bố trí đất cho dân từ diện tích đường 5,5 m lên 7,5 m nếu đất TĐC thiếu. Ngoài ra, trong tổng số lô đất phải bố trí TĐC có 1.070 lô đường 5,5 m trong khi đó số lô đã có hạ tầng chưa bố trí cùng loại đường trên là 2.894 lô.
Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, thì đổ cho việc nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận đất TĐC và muốn TĐC tại chỗ nên công tác giải tỏa đền bù chậm, dẫn đến nợ đất.
Thừa nhận trong quá trình quản lý và điều hành, các cơ quan, ban - ngành chưa có sự chặt chẽ và sâu sát nên dẫn đến tình trạng trên, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết nếu dân có bức xúc về nợ đất thì cứ đến phản ánh với các cơ quan chức năng để được giải quyết sớm. Ông Viết khẳng định đến cuối năm nay, sẽ thúc đẩy hoàn thành bố trí TĐC cho các hộ có đất bị giải tỏa.
Chỉ giải tỏa khi đã có đất TĐC
Nhận một phần trách nhiệm về mình, ông Trần Thọ chỉ rõ các cơ quan như Ban Giải tỏa đền bù, Ban Quản lý dự án, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không làm tốt vai trò quản lý, tham mưu... nên để xảy ra tình trạng trên. Ông chỉ đạo từ nay, khâu giải tỏa đền bù chỉ thực hiện khi có đất TĐC trước ngoại trừ bố trí TĐC tại chỗ và các trường hợp đặt biệt do chủ tịch UBND TP quyết định. Việc bố trí TĐC cùng tuyến đường, dự án phải tổ chức bốc thăm công khai.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo