Tin tức - Sự kiện

Chồng cỗ cao: Nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Hà Tĩnh

Chồng cỗ cao là một nét văn hoá dân gian đặc sắc, một tục lệ có từ rất lâu đời của người Hà Tĩnh. Nhìn những chồng cỗ được xếp cao như những ngọn tháp và trưng bày kín cả khuôn viên từ thượng điện, hạ điện đến cả bên ngoài nhà thờ, người ta hiểu được cuộc sống sung túc của con cháu.

Lễ hội Chồng cỗ cao tại xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh là một nét văn hoá dân gian đặc sắc, một tục lệ có từ rất lâu đời của người Hà Tĩnh. 

Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi, những người con Hà Tĩnh xa quê lại có dịp tụ họp về nơi linh thiêng, nhà thờ tổ của dòng họ. Nhân ngày lễ khánh thành nhà thờ, dòng họ đại tôn  Lê Quang (xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tổ chức Lễ hội Chồng cỗ cao (nét văn hóa cổ xưa rất riêng của người Hà Tĩnh) để thưởng thức các thế gà cúng độc đáo từ bàn tay của những “nghệ nhân” làng quê.

Thế gà Phi thiên kê (gà bay về trời) , tuyệt tác này “ngốn” hết 2 ngày công của gia đình ông Lê Quang Lượng.

Nhìn những chồng cỗ được xếp cao như những ngọn tháp và trưng bày kín cả khuôn viên từ thượng điện, hạ điện đến cả bên ngoài nhà thờ, người ta hiểu được cuộc sống sung túc của con cháu. Nào bánh chưng, mâm xôi, lợn quay, gà đứng… được xếp đặt theo một quy định cổ xưa tạo thành một không gian sinh động, vừa linh thiêng, tôn kính, vừa mang nét văn hoá ẩm thực rất đặc biệt.

Độc đáo nhất trong lễ hội Chồng cỗ cao phải nói đến là các thế gà cúng. Phải mất rất nhiều ngày, thậm chí là hàng tháng trời, những thành viên thuộc các chi tôn trong dòng họ cất công sưu tầm, lựa chọn những con gà đẹp nhất, từ chân, đầu, đến cựa, màu sắc… và công cuộc chế tác thành những tác phẩm gà cúng cũng cầu kỳ, tỉ mỉ không kém.

 Kê ẩn khóm trúc (gà trốn trong khóm trúc).

Vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu biết về điều này vì nhiều lẽ. Trước hết, sự kiện trọng đại này rất hiếm khi xảy ra. Đơn giản vì có nhiều quy định bất thành văn có từ rất xa xưa. Chồng cỗ cao được tổ chức vào những dịp như thế nào? Theo truyền thống gần như là bắt buộc, chỉ những dịp có sự kiện trọng đại của dòng họ mới được phép tổ chức chồng cỗ cao. Đó là vào những dịp khánh thành nhà thờ, thay, thục gia phổ (gia phả) hoặc một sự kiện nào đó rất đặc biệt, vừa có ý nghĩa tới tổ tiên, vừa tác động sâu sắc đến cuộc sống và tâm linh của con cháu trong dòng họ thì mới được tổ chức chồng cỗ cao. Thông thường, người ta chỉ tổ chức hoạt động này vào hai dịp trong năm, đó là vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy.

Những dòng họ như thế nào mới được phép tổ chức chồng cỗ cao? Không phải dòng họ nào cũng được tổ chức chồng cỗ cao. Trước hết vì chi phí rất tốn kém dành cho hoạt động này nên chỉ có những dòng họ lớn, con cháu làm ăn phát đạt, giàu có, nhiều người tiền bạc dư giả thì mới có thể đảm đương được. Nhiều dòng họ, vì lí do kinh tế mà đành phải cắt giảm dù rất muốn tổ chức để mát mặt tổ tiên và con cháu. Và cũng chỉ có những dòng họ lớn, nhiều đời, có nhiều chi nhánh và họ hàng nội ngoại đông đúc thì mới có thể tổ chức được. Vì thế, nhiều dòng họ dẫu rất giàu có nhưng vì là họ nhỏ nên không đủ số lượng cổ bàn trưng bày theo quy định rất đặc biệt.

 Long ẩn ngũ kê (Rồng ẩn mình giữa 5 con gà).

Trước hết, những đối tượng tham gia chồng cỗ cao là người của dòng họ. Theo quy định, phần lớn cỗ bàn do con cháu thuộc họ nội và họ ngoại mang đến. Họ nội bao gồm con cháu trong họ từ nhiều chi nhánh khác nhau, có những chi nhánh đã tách ra vì họ lớn quá (có nhà thờ riêng biệt). Họ ngoại bao gồm những người con gái từ nhiều đời trong dòng họ đã lấy chồng. Phía họ nội, độ cao bắt buộc của các chồng cỗ phải cao chín tầng, độ cao đối với họ ngoại là bảy tầng. Nhưng dù là họ nội hay họ ngoại thì tầng trên cùng có một quy định bất thành văn là phải có một con gà luộc đứng trong tư thế đang cất tiếng gáy trên mâm cỗ cao nhất. Để làm được những con gà có tư thế như vậy không phải là một việc dễ dàng. Thường phải là các cụ cao niên, có kinh nghiệm và tài khéo léo đảm đương. Tất nhiên, bên cạnh các chồng cỗ được xếp cao lên tận nóc nhà thờ thì cũng có những cỗ bàn bình thường gồm bánh chưng, lợn quay, mâm xôi…

 

 Muôn hoa tâm kê (gà đứng giữa ngàn hoa)

Từ xa xưa, nhằm thể hiện cuộc sống sung túc, giàu có của cháu con, sự phồn thịnh, đông đúc của dòng họ mà cha ông ta đã sáng tạo nên nét văn hoá đặc biệt này. Tuy vậy, do cuộc sống khó khăn mà trong suốt nhiều thời gian dài, văn hoá Chồng cỗ cao rất ít khi xuất hiện. Ngày nay, khi cuộc sống có nhiều thay đổi theo hướng phát triển. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt thì việc phát huy và tôn vinh nét văn hoá đặc sắc này sẽ vừa làm phát huy và làm phong phú nền văn hoá truyền thống, vừa mang lại sự tự hào, lòng tự tôn về dòng tộc của cháu con.

Nên đọc

Thế gà Phi thiên kê (gà bay về trời) , tuyệt tác này “ngốn” hết 2 ngày công của gia đình ông Lê Quang Lượng.

Lê Mỹ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo