Tin tức - Sự kiện

Chống quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Y tế: Phải làm ra tấm, ra món

Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội thảo Chống quá tải bệnh viện tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày hôm qua 9/7. Liệu ước mơ được nằm mỗi người một giường của bệnh nhân bấy lâu nay có trở thành hiện thực?

Đưa bác sĩ giỏi về hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới và xây bệnh viện vệ tinh là giải pháp căn cơ trong chống quá tải bệnh viện hiện nay, Bộ Y tế khẳng định như vậy tại hội thảo chống quá tải bệnh viện tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9/7.

 

Nửa vời

 

 

PGS- BS Trần Quyết Tiến- Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, do có được y hiệu tốt nên có vấn đề về sức khỏe là người dân đổ lên đây chữa trị khiến cho bệnh viện quá tải trầm trọng.

 

“Các khoa luôn quá tải trên 200% nên không chỉ chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân bị ảnh hưởng mà còn dễ nảy sinh tiêu cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và thái độ phục vụ của y bác sĩ cũng không tốt”- bác sĩ Tiến lý giải.

 

Trước đó, khi triển khai đề án đưa bác sĩ về hỗ trợ tuyến dưới, bác sĩ Tiến cho biết, cũng triển khai rầm rộ theo kiểu “trống dong cờ mở”, hỗ trợ tràn lan.

 

“Có những kỹ thuật mà cử cán bộ đi xuống chuyển giao nhưng đành đi về vì cơ sở chưa đủ chuyên môn lại thiếu thiết bị để nhận chuyển giao” - bác sĩ Tiến cho hay.

 

Tuy nhiên, chỉ trong hai năm trở lại đây bệnh viện đã triển khai được gần 500 kỹ thuật viên cho tuyến dưới với hơn sáu nghìn lượt học viên được đào tạo. Điều quan trọng nhất là các kỹ thuật mà các bệnh viện tuyến tỉnh như Đắk Nông hay Bình Phước cần thì Chợ Rẫy đã đáp ứng được một phần.

 

Nói về thành quả sau ba năm được thụ hưởng từ sự hỗ trợ tuyến trên, bác sĩ Nguyễn Đức Hảo - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đắk Nông cho biết, được hỗ trợ nên hiện tỷ lệ chuyển viện giảm 35%, trong khi bệnh nhân đến khám và điều trị tăng 30%.

 

“Các kỹ thuật về phẫu thuật chấn thương sọ não, thần kinh, đục thủy tinh thể hay thủ thuật hồi sức cấp cứu và can thiệp tim mạch giờ đây các bác sĩ bệnh viện đã làm rất thành thạo” - bác sĩ Hảo chia sẻ.

 

Tuy nhiên, theo người này, vẫn còn cách làm nửa vời, bởi thực tế theo đề án cán bộ xuống tuyến dưới phải cắm bản ba tháng nhưng mới ở được một đến hai tháng là “xin về” vì “phòng mạch không làm, sợ mất khách”.

 

Từ việc chỉ lọ mọ làm những phẫu thuật cơ bản, sau khi được hỗ trợ từ 5 bệnh viện đầu ngành của TP. Hồ Chí Minh, đến nay bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre đã thực hiện độc lập các kỹ thuật chuyển giao gần 90%.

 

PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, cho biết đã có 72 bệnh viện tuyến trung ương cử cán bộ luân phiên xuống các bệnh viện tỉnh, chuyển giao được 6.676 kỹ thuật.

 

“Thực tế vẫn chưa có đánh giá cụ thể các bệnh viện tuyến dưới có thực hiện kỹ thuật tốt sau khi nhận chuyển giao hay không” - Ông Khuê cho biết.



Hầu hết các bệnh viện tuyến trên đều quá tải trầm trọng. Bệnh viện Nhi đồng 1 hoạt động vượt công suất hơn 120%, Từ Dũ: 126,3%, Hùng Vương: 111,4%, Ung bướu: 247%, Chấn thương chỉnh hình: 129,1%...

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh

 

Theo ông Khuê, có tình trạng các bệnh viện tuyến trên khảo sát không kỹ nhu cầu tuyến dưới nên cử cán bộ đi luân phiên không phù hợp.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Thị Tiến khi đơn vị tuyến dưới đã được chuyển giao kỹ thuật rồi, chữa được bệnh tại chỗ rồi thì tuyến trên không nhận chuyển viện nữa.

 

“Cứ kéo nhau xuống cơ sở mà không có người, máy móc thì xuống làm gì. Nên chọn lọc, làm cái nào mà cơ sở tiếp nhận được và làm được. Đừng có làm theo kiểu trăm hoa đua nở”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

 

Đến 20/7 chọn được bệnh viện vệ tinh

 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm có gần 1,7 triệu lượt trẻ đến khám và điều trị tại đây nên quá tải rất trầm trọng.

 

Sau khi thống kê 70% trẻ đến từ các tỉnh, mới đây bệnh viện này xây dựng đề án thành lập bệnh viện vệ tinh ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bệnh viện Đa khoa Tiền Giang và Cà Mau để “xây dựng y hiệu của Nhi đồng 1 địa phương”.

 

“Chúng tôi sẽ tập trung vào các bệnh lây lan thành dịch; cấp cứu hồi sức sơ sinh, các bệnh như tim bẩm sinh, thận và phẫu thuật nhi cho tuyến dưới. Được vậy sẽ giảm mạnh bệnh nhi lên tuyến trên” - bác sĩ Thượng khẳng định.

 

Theo bác sĩ Hà Minh Tuấn - Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện này sẽ xây dựng ba bệnh viện vệ tinh là bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong giai đoạn từ nay đến 2015.

 

“Khi các bệnh viện trở thành vệ tinh của các bệnh viện tuyến trên chắc chắn sẽ giúp nâng cao chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới, đồng thời tạo niềm tin để nhân dân yên tâm khám chữa tại đây” - bác sĩ Tuấn nói.

 

Sau khi chuyển giao một số khoa phòng cho bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và bệnh viện Nhi đồng 2 thành lập phòng khám vệ tinh, theo bác sĩ Trần Văn Khanh- Giám đốc BV quận 2, nơi đây đã có diễn biến tốt.

 

Bệnh viện có 150 giường bệnh nhưng khi nào cũng còn một nửa giường trống vì các kỹ thuật cao chưa triển khai, thiếu bác sĩ giỏi… nên khi giao 50 giường cho bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi của bệnh viện Ung bướu về thăm khám, số bệnh nhân bắt đầu tăng lên.

 

Bác sĩ Lê Hoàng Minh - Giám đốc bệnh viện Ung bướu cho biết, từ một đến hai bệnh nhân đến khám ngày đầu đến nay đã có hơn 10 bệnh nhân đến khám.

 

Bác sĩ Lê Hoàng Minh cho biết, hiện 70% bệnh nhân của bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh là từ tuyến tỉnh chuyển lên, nên nếu hỗ trợ tốt cho năm bệnh viện vệ tinh là bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thì sẽ giảm tải được rất lớn cho bệnh viện Ung bướu tại TP. Hồ Chí Minh.

 

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tân Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, song song với việc xây dựng bệnh viện vệ tinh hay đưa bác sĩ xuống hỗ trợ chuyên môn cho tuyến quận huyện, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến dưới đúng với yêu cầu chuyên môn kỹ thuật được chuyển giao để khám chữa cho bệnh nhân.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cần tập trung đẩy mạnh từ đào tạo nhân lực, tư vấn đầu tư trang thiết bị đến quản trị bệnh viện, chứ không phải như Đề án 1816 là chỉ luân phiên cán bộ xuống cơ sở.

 

“Phải làm ra tấm, ra món. Tức là bệnh viện vệ tinh về ung bướu thì phải điều trị được hết các bệnh ung bướu. Bệnh việnV vệ tinh về tim mạch thì phải điều trị được tim mạch”- bà Tiến chỉ đạo. “Chậm nhất đến 20/7 này phải chọn được bệnh viện vệ tinh để cuối tháng Bộ Y tế phê duyệt, trình Chính phủ”- bà Tiến tiếp.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo