Tin tức - Sự kiện

Chống tham nhũng: Gian khổ, cấp bách nhưng phải kiên trì

“Đây là nhiệm vụ sống còn của chế độ, của đất nước. Cuộc đấu tranh này cấp bách nhưng gian khổ, phải khẩn trương nhưng phải kiên trì và có biện pháp”.

Chủ tịch Quốc hội nêu 7 vấn đề cần giải quyết sau phiên chất vấn 5 thành viên Chính phủ

Sau hơn hai ngày chất vấn các thành viên chính phủ, nhiều vấn đề “không mới nhưng rất nóng” được đưa đến hội trường Quốc hội với từng phần trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, thẳng thắn và nhận trách nhiệm.

Kết thúc toàn bộ phiên chất vấn vào chiều 12/6, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc Hội đã “chốt” lại 7 vấn đề cấp bách, cần các thành viên chính phủ thực hiện ngay.
 
Về kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được xem là vấn đề trọng tâm, quốc kế dân sinh cử tri cả nước mong đợi. Trong tình hình mới, có những khó khăn mới, Quốc hội cũng đặt ra vấn đề để tìm cách giải quyết, xử lý để đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại của chúng ta năm nay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
 
“Trong điều kiện khó khăn cũ đang còn, khó khăn mới lại xuất hiện, chúng ta vẫn phải hoàn thành tốt được nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giảm nghèo, an sinh xã hội cho nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
 
Vấn đề thứ hai, với 2.276 ý kiến kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các ngành, các cấp phối hợp để tiếp tục giải quyết.
 
Nhiệm vụ cấp bách thứ ba, Quốc hội nhận thấy an ninh về nợ công đang bị đe dọa do cơ cấu của nợ công, do nguồn để trả nợ công thiếu cân đối… Quốc hội đánh giá đây là một vấn đề cần phải được rà soát, cần phải được điều chỉnh và cần phải được nghiêm túc xem xét thận trọng để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Nhưng rộng hơn là bảo vệ kinh tế vi mô ổn định để phát triển vững chắc trong thời gian tới.
 
Thứ tư, về vấn đề quốc sách hàng đầu – giáo dục và đào tạo, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục, Chính phủ phải khẩn trương tìm mọi biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém. Xây dựng cho được đề án để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
“Cuối năm nay Quốc hội sẽ nghe báo cáo này để đánh giá công việc triển khai những vấn đề Quốc hội đặt ra, những vấn đề Trung ương đặt ra, Chính phủ đặt ra thế nào, nếu như Quốc hội có yêu cầu thì chúng ta sẽ tổ chức thảo luận kỹ thêm về quốc sách này và nếu cần thì sẽ có những quyết định quan trọng của Quốc hội. Làm sao để quốc sách hàng đầu thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
 
Vấn đề thứ năm, hệ thống pháp luật, thể chế là vấn đề phải đột phá, đi theo đó là toàn bộ quy định về hành chính của hệ thống nhà nước. Nhận thấy điều đó, Quốc hội đã đặt ra yêu cầu và mục tiêu đã làm Hiến pháp mới thì phải theo tinh thần của Hiến pháp. Trên cơ sở đó tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, đổi mới nền hành chính quốc gia, thủ tục hành chính theo tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng…
 
“Cấm gì thì nói đi, nói vào luật. Cái gì có điều kiện thì nói đi, nói vào luật. Không được có các văn bản khác hướng dẫn một cách tùy tiện nữa. Từ đó chúng ta sẽ hạn chế được cả tiêu cực, hạn chế được cả tham nhũng và tạo được quyền dân chủ cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh” – Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Vấn đề thứ 6 liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quốc hội một lần nữa thể hiện quyết tâm của mình để đáp ứng nguyện vọng cử tri cả nước. “Đây là nhiệm vụ sống còn của chế độ, của đất nước. Cuộc đấu tranh này cấp bách nhưng gian khổ, phải khẩn trương nhưng phải kiên trì và có biện pháp”.
 
“Chúng ta đã công khai được, chúng ta đã minh bạch được không phải chỉ có Luật phòng, chống tham nhũng mà cũng không phải chỉ có một số quy định về kê khai tài sản... Tất cả bộ máy sẽ hoạt động theo pháp luật, pháp luật minh bạch, pháp luật quy định đúng thì rõ ràng không thể nào có cách gì để tiêu cực, nhũng nhiễu, láng phí hay tham nhũng được”.
 
“Cuộc đấu tranh này có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đẩy lùi được, chưa chặn đứng được, còn phức tạp, còn diễn biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Cuộc đấu tranh này chúng ta phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả hơn”.
 
Vấn đề thứ bảy được Chủ tịch Quốc hội đề cập, là Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết sau phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Sau đó TVQH sẽ lựa chọn chuyên đề, một số trưởng ngành để tiến hành chất vấn tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo