Chống tham nhũng phải mạnh hơn
Phát biểu kết luận tại phiên họp cuối cùng năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác này trong năm 2014 phải được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, phải có chuyển biến tích cực, rõ ràng hơn năm 2013.
Tổng bí thư cho rằng, việc đưa một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là cần thiết, có tác dụng tốt. Trong năm tới, cần bổ sung một số vụ án, vụ việc trọng điểm để chỉ đạo.
Tiếp tục thành lập các đoàn giám sát
Theo Tổng bí thư, Ban Chỉ đạo cũng sẽ tiếp tục thành lập một số đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhất là những địa phương còn có hạn chế trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Các vụ việc cụ thể sẽ giao Ban Nội chính Trung ương rà soát kỹ lưỡng, chọn vụ việc thực sự trọng điểm, đích đáng. Trên cơ sở kết quả hội nghị, Tổng bí thư thống nhất sẽ chọn hàng chục vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và giao các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý.
Trước đó, tháng 8/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát. Kết quả cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Các đoàn công tác đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động tích cực, hiệu quả.
Qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy, tổ chức Đảng được kiểm tra, giám sát nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Các cơ quan, tổ chức được kiểm tra, giám sát thấy được ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, để từ đó có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Về tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và những khó khăn, vướng mắc của 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo Tổng bí thư, trong thời gian ngắn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với các mức án đủ nghiêm, có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung; được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Đối với những vụ án còn lại, Tổng bí thư đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan điểm xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiêm minh dựa trên cơ sở đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó lưu ý trong điều kiện tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và có tính tổ chức ngày càng cao như hiện nay, cũng cần phải áp dụng mức hình phạt đủ nghiêm để có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Phải có bước tiến để tạo niềm tin
Nhìn lại 10 tháng hoạt động đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo đã dần đi vào nền nếp theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc. Không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng nhưng không bao biện làm thay cơ quan chức năng, hoạt động của Ban chỉ đạo có hiệu quả thiết thực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Ví như, Ban Chỉ đạo đã chọn khâu giám định để tập trung chỉ đạo đổi mới quá trình xét xử các vụ án tham nhũng; hay như chỉ đạo hạn chế án treo trong xử lý các vụ án tham nhũng, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Qua hoạt động, cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo rõ ràng, hiệu quả hơn. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo, đôn đốc đã được đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, Tổng bí thư cho rằng, tham nhũng vẫn là vấn đề xã hội bức xúc nhất hiện nay, nhân dân đòi hỏi, mong muốn, kỳ vọng công tác này sẽ có bước tiến để tạo niềm tin, động lực mới cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 11, vấn đề phòng chống tham nhũng đã trở nên rất nóng. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn và hoài nghi về hiệu quả của công tác này, dù Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã được thành lập mới và đi vào hoạt động.
Như ý kiến của đại biểu Lê Như Tiến, “Chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, song “giặc nội xâm” tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu, tiêu diệt chưa được là mấy”.
Hay ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa “Chúng ta có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, vấn đề tái lập lại Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh, thành. Các cơ quan này tuy mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã có tác dụng thúc đẩy tiến độ các vụ án tham nhũng lớn nhanh hơn. Dù vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri”.
Thời báo Kinh tế Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Hơn 6000 học sinh, sinh viên sắp được đào tạo nhân lực công nghệ cao
Sân bay Đà Nẵng dự kiến xây nhà ga hàng hoá 100.000 tấn/năm
Cột tin quảng cáo