Chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại
Trong bốn tháng qua, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có những kết quả tích cực, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì con số xuất khẩu này chưa bền vững. Cần có các giải pháp căn cơ để tạo động lực tăng trưởng cho xuất khẩu.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 4.2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, việc kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái được cho là kết quả khả quan. Thành tích này được cho là do nhiều doanh nghiệp nước ta đã tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, tăng trưởng xuất khẩu của nước ta chưa bền vững, quy mô xuất khẩu còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu do khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, gia công. Các mặt hàng này có giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia được vào chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới.
Theo chỉ tiêu của Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ tăng 10% so với năm 2012; kiểm soát nhập siêu ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu; và mục tiêu lâu dài là rút ngắn lộ trình cân bằng cán cân xuất nhập khẩu vào năm 2020. Nhưng để có kết quả này rất cần sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Hiện nay, nước ta đã ký một số hiệp định thương mại nên sức ép cạnh tranh với hàng hóa tăng thêm do phải cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác có cùng mức thuế thấp. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như dự báo trước những biến động thị trường. Để doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội này, các cơ quan quản lý và hiệp hội cũng cần đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, cung cấp những kiến thức liên quan.
Bên cạnh đó, những giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Cục sẽ tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết với các tham tán, thương vụ tại nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Về phía doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.
Về dài hạn, để phát triển xuất khẩu bền vững thì cần những giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Và chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu; có chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Bởi theo Trưởng ban Kinh tế Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Jacques Bouflet cho rằng, Việt Nam không thể giảm thâm hụt thương mại nếu chỉ giảm nhập khẩu mà không tăng xuất khẩu. Do đó, Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu hơn nữa và cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao về khoa học công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo