“Chủ nợ” lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai đánh giá tập đoàn này trả lãi rất sòng phẳng
Theo tin tức trên báo Dân trí, sáng nay (24/3), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
Tại đại hội, nhiều câu hỏi của cổ đông chất vấn các thành viên ngân hàng về tình hình cho vay Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp này vốn là khách hàng lớn có dư nợ tới 10.500 tỷ đồng tại BIDV.
Trả lời băn khoăn này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà cho biết Hoàng Anh Gia Lai là một trong các đơn vị trả lãi sòng phẳng trong 20 năm qua. Các sản phẩm của HAGL liên quan đến khoản vay của HAGL là đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Camphuchia với diện tích 50.000 ha. Các dự án này liên hệ chặt chẽ tới an ninh quốc phòng. Gần đây, BIDV cho vay nuôi bò sản xuất bò giống, cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá dầu xuống kéo theo giá cao su giảm, HAGL gặp khó khăn về thanh khoản chứ không phải mất khả năng chi trả", lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.
Nêu quan điểm của mình về đối tác HAGL, ông Trần Bắc Hà nói thêm, HAGL là một trong các đối tác của BIDV 20 năm nay, chi trả lãi sòng phẳng. Vừa qua đúng là có chuyện HAGL gặp khó khăn nên chậm trả lãi nhưng với giá trị tài sản đảm bảo của đơn vị này tại BIDV lớn, nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi. Không chỉ BIDV mà cả 9 ngân hàng khác hiện đang là “chủ nợ” của HAGL đều nhận thấy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì cần đồng hành, hỗ trợ. “Chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp, bình ổn thị trường chứ không bới móc ra”- ông Trần Bắc Hà nói.
Cũng theo ông Phan Đức Tú, hiện cả 10 ngân hàng là chủ nợ của HAGL đang đề xuất kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ và kéo dài thời gian trả nợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Báo cáo kiểm toán 2015 của HAGL cho thấy, doanh thu công ty đạt trên 6.200 tỷ đồng nhưng do chi phí vay lãi lớn khiến lợi nhuận giảm sút chỉ còn 602 tỷ đồng. Doanh thu lớn nhất của tập đoàn đến từ việc nuôi bò và xây dựng. Ngoài BIDV, các chủ nợ lớn nhất của HAGL còn có Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV, Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank)…
Chia sẻ với PV báo VTC news trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL thừa nhận những khó khăn đang gặp phải chủ yếu đến từ lĩnh vực cao su. "Làm ăn kinh doanh có lúc này lúc kia. Cũng như cách đây 10 năm, không ai nghĩ giá dầu giảm xuống dưới 30 USD một thùng", ông bình luận. Theo đó, khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào cao su, bỏ vốn 1.300 USD có thể bán được 5.500 USD một tấn. Song hiện có lúc giá giảm về 1.100 USD nên việc doanh nghiệp khó khăn được ông Đức nhận định là bình thường, dù các lĩnh vực khác đều đang hoạt động tốt.
Thông báo về tình hình kinh doanh quý I/2016, lãnh đạo BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,6%, cao hơn bình quân các ngân hàng, trong khi huy động vốn ước tính tăng 3,5%. Theo kế hoạch năm 2016 của BIDV, huy động dự kiến cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 3-4%.
Cũng tại ĐHCĐ năm 2016, cổ đông BIDV cũng thông qua miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Lê Đào Nguyên (do nghỉ hưu). Đồng thời, ông Đặng Xuân Sinh – thành viên HĐQT BIDV sẽ thay bà Nguyễn Thị Kim Thanh làm người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV từ ngày 21/4.
Ngoài ra, BIDV cũng trình Đại hội cổ đông phươg án lập công ty con 100% vốn của BIDV trong lĩnh vực quản lý quỹ thông qua mua lại 100% vốn góp của Vietnam Partners tại Công ty Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Parters (BVIM). BVIM tổng tài sản gần 59 tỷ đồng vào cuối năm 2015, lợi nhuận đạt hơn 16 tỷ đồng
End of content
Không có tin nào tiếp theo