Tin tức - Sự kiện

Chủ quyền Biển Đông - hiểu đúng để có cách hành xử đúng

Thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

Để dư luận nhân dân hiểu rõ hơn những khái niệm chính thống về “đường biên giới trên biển”, “thềm lục địa”…; cũng như nhận thức đầy đủ về cái gọi là “đường lưỡi bò” mà phía Trung Quốc tuỳ tiện vẽ ra, An ninh Thủ đô có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (ảnh).

 

Đây là cơ quan tham mưu của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ; tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản trên đất liền, vùng trời, vùng biển thuộc quyền quản lý và tài phán của CHXHCN Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam



Là người đứng đầu cơ quan đo đạc - bản đồ và có kinh nghiệm lâu năm trong công tác biên giới lãnh thổ, theo ông cách hiểu thế nào là đầy đủ và xác thực nhất về Đường biên giới trên biển, thềm lục địa đúng theo luật pháp quốc tế?



- Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Trước hết muốn hiểu đúng về Đường biên giới trên biển theo đúng luật pháp quốc tế, chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm cơ bản về Các đường ranh giới trên biển:



Thứ nhất là: Đường cơ sở: Đường cơ sở là cách nói ngắn của “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải” . Đường cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định ranh giới các vùng biển như vùng nội thủy (vùng biển nằm phía bên trong đường cơ sở), vùng lãnh hải (12 hải lý bên ngoài tính từ đường cơ sở), vùng tiếp giáp lãnh hải (24 hải lý tính từ đường cơ cở), vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý tính từ đường cơ sở)... 


Có hai loại đường cơ sở. Bao gồm: Đường cơ sở thông thường là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển và Đường cơ sở thẳng là đường nối liền các điểm thích hợp và được áp dụng “ở nhưng nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm, hoặc nếu có một chuỗi các đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển”, hoặc ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và do những điều kiện tự nhiên khác.

 

Đường cơ sở của Việt Nam gồm 11 điểm có toạ độ xác định. Hệ thống này thực tế là kiểu đường cơ sở thẳng và còn để ngỏ hai điểm: điểm 0 nằm trên giao điểm giữa đường thẳng nối liền đảo Thổ Chu (Việt Nam) và đảo Poulowai (Cămpuchia) và đường phân định biên giới giữa hai bên trong vùng nước lịch sử, và điểm kết thúc ở cửa vịnh Bắc bộ.



Thứ hai là: Vùng nội thủy được tính toán trên cơ sở đường cơ sở: Vùng nội thủy của một quốc gia có chủ quyền là toàn bộ vùng nước và đường thủy trong phần đất liền và được tính từ đường cơ sở trở vào.

 

Theo Công ước Liên hợp quốc về  Luật Biển, các quốc gia có biển được tự do trong việc áp dụng luật pháp của mình trong việc điều chỉnh bất kỳ việc sử dụng nào liên quan tới nội thủy cũng như các nguồn tài nguyên trong đó. Tàu thuyền nước ngoài không có quyền tự do đi qua vùng nội thủy kể cả không gây hại.



Thứ ba là: Vùng lãnh hải. Lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) tính từ đường cơ sở, có chế độ pháp lý tương tự như lãnh thổ đất liền, ranh giới ngoài cùng của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Trong vùng lãnh hải, tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền đi lại không gây hại và theo tuyến phân luồng giao thông biển của quốc gia ven biển.


Thứ tư là: Vùng tiếp giáp lãnh hải, là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và tiếp giáp với lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải (24 hải lý tính từ đường cơ sở).



Thứ năm là: Vùng đặc quyền kinh tế, là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (188 hải lý từ ranh giới ngoài lãnh hải, 176 hải lý từ ranh giới ngoài của vùng tiếp giáp lãnh hải).

 

Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với mọi tài nguyên thiên nhiên và hoạt động kinh tế nhằm khai thác sử dụng các tài nguyên thiên nhiên đó, có quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường biển, xây dựng và lắp đặt những công trình và thiết bị nhân tạo.

 

Các nước khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải và đặt cáp và ống dẫn ngầm.



Thứ sáu là: Thềm lục địa, là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.

 

Tuy nhiên bề rộng tối đa của thềm lục địa tính theo bờ ngoài của rìa lục địa không vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý bên ngoài đường đẳng sâu 2.500 m.



- Ông có thể nói rõ hơn sự khác nhau cơ bản giữa thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế? 



- Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Sự khác nhau cơ bản giữa thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là vùng thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển.

 

Vùng đặc quyền kinh tế là chế định riêng biệt áp dụng cho cột nước phía trên đáy biển.


- Căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ cái gọi là “Đường chín khúc” (đường lưỡi bò) do Trung Quốc tùy tiện vẽ ra vi phạm nghiêm trọng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vụ CNOOC của Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn cho thấy Trung Quốc muốn “biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp” trên Biển Đông?

 

Ở góc độ khoa học đo đạc- bản đồ, ông suy nghĩ như thế nào về sự phi lý xung quanh cái gọi là “Đường chín khúc” do Trung Quốc tự vẽ ra?


- Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Ở góc độ khoa học đo đạc - bản đồ, tôi có thể phân tích sự đúng- sai rõ ràng về cái gọi là “Đường chín khúc” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà phía Trung Quốc tuỳ tiện vẽ trên bản đồ.

 

Trước hết, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế (kể cả các loại ranh giới) là sự ổn định và dứt khoát trong khi đường chín khúc  không liên tục vì là những đoạn đứt khúc được mô tả một cách tuỳ tiện, thiếu dút khoát (trước đây là 11 đoạn sau bỏ đi 2 đoạn) và  không có tính ổn định vì không được xác định (không có mốc  toạ độ kinh, vĩ độ và cũng không có điểm cơ sở).

 

Về Bản đồ học, mọi đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ phải được mô tả và thể hiện bằng toạ độ địa lý. Năm 2011, khi Cục bản đồ quốc gia Trung Quốc công bố trên trang website đường lưỡi bò, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có công hàm phản đối và đưa ra những lập luận khoa học trong bản đồ học gửi Đại sứ quán và Cục bản đồ quốc gia Trung Quốc.

 

Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng lúng túng khi giải thích về đường lưỡi bò, thậm chí nhiều học giả Trung Quốc không tin việc có đường lưỡi bò. Dư luận thế giới cũng không ủng hộ và phản đối  Trung Quốc về Đường lưỡi bò nói riêng và cách hành xử nói chung của Trung Quốc trên Biển Đông.



- Ông có thể phân tích sâu hơn về Vùng đặc quyền kinh tế theo quy ước chung của luật pháp quốc tế? Từ đó có cơ sở khẳng định: Trung Quốc đã có những hành động sai trái, trái với Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển?



- Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Như trên tôi đã trình bày khái niệm cơ bản về Vùng đặc quyền kinh tế. Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Nó được đặt dưới chế độ pháp lý riêng được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

 

Vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370,4 km)  tính từ đường cơ sở. Trong khu vực này quốc gia ven biển có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển nó là một trong các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền.



Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển đặc thù trong đó sự cân bằng về các quyền và quyền tài phán của mỗi quốc gia ven biển với các quyền tự do của các quốc gia khác. Theo đó các quốc gia ven biển có các quyền:



- Các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò khai thác , bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên của vùng nước trên đáy biển cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.



- Quyền tài phán về việc lắp đặt, sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác theo các điều khoản của công ước.


Trong vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia khác đều được hưởng các quyền: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt ống dẫn ngầm và dây cáp.


Từ những cơ sở trên, việc Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu 9 lô dầu khí  hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế  200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Hành động này của Trung Quốc là sai trái, trái với Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việc làm này cũng trái với “Thoả thuận về Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển”  đã ký ngày 11/10/2011 giữa 2 nước CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa.



- Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

 

Theo ANTĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo