Chủ quyền trong tim người trẻ
|
Bạn trẻ quốc tế ủng hộ Việt Nam. Ảnh: T.L |
Lan tỏa cộng đồng quốc tế
Ngay trong ngày 2/5, Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan khổng lồ trên vùng biển của Việt Nam, đội ngũ trí thức người Việt đã thông tin gửi bạn bè trên toàn thế giới về hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thông tin đó được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Hàn Quốc… và nhanh chóng được lan truyền trên hầu hết các trang mạng xã hội, diễn đàn trong nước và quốc tế có người Việt tham gia.
Nội dung chính đó là: “Gửi bạn bè trên toàn thế giới, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên, Việt Nam là nước duy nhất có quyền khai thác tài nguyên tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc luôn cố chấp với tuyên bố đường lưỡi bò phi pháp của mình trên biển Đông, tự cho mình quyền khai thác trong khu vực mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của mình, tuy nhiên cho đến nay chưa bao giờ Trung Quốc chứng minh được tính pháp lý của đường 9 đoạn này cũng như giải thích rõ ràng về cơ sở của nó. Vì vậy, Trung Quốc không có bất kì một lí do gì để bào chữa cho hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế này.
Nhân dân và quân đội Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng cũng sẵn sàng mọi thứ để giữ vững chủ quyền của chúng tôi. Chính vì thế, chúng tôi hi vọng nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới sẽ cùng chúng tôi phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc, trả lại cho biển Đông sự yên bình vốn có. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này”.
Ngay sau đó, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012, ca sĩ Thái Thuỳ Linh chia sẻ những thông tin trên bằng 3 ngôn ngữ Việt, tiếng Anh, tiếng Trung trên trang facebook của mình và nhận được hàng nghìn lượt yêu thích (like) và hàng trăm lượt chia sẻ. Cứ như vậy, thông tin đấu tranh đòi chủ quyền biển đảo của Việt Nam tiếp tục lan tỏa.
Sau khi gửi thông tin từ facebook của Thái Thùy Linh tới các bạn nước ngoài, Hoàng Thanh Tâm, công tác tại Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa chia sẻ: “Con dân đất Việt trên khắp thế giới đồng lòng lên tiếng trên các mạng xã hội, blog, chia sẻ status, thay đổi avarta. Những bài viết bằng mọi thứ tiếng đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của quốc tế với vấn đề chủ quyền của Việt Nam”.
|
Hai thanh niên Angola với dòng chữ “Hoàng Sa là của Việt Nam" |
Hoàng loạt các fanpage thể hiện lòng yêu nước, chủ quyền Tổ quốc như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam”, “Quân đội nhân dân Việt Nam”… được xây dựng với hàng chục nghìn thành viên, người theo dõi thường xuyên. Fanpage “Quân đội nhân dân Việt Nam” viết: “Chúng tôi muốn tất cả các thành viên trong cũng như ngoài hội hãy đồng lòng: Chúng tôi những người con đất Việt hoàn toàn tin tưởng vào Quân đội nhân dân Việt Nam, những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ đối đầu với kẻ thù trên biển. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn non sông đất nước, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”.
Bên cạnh kêu gọi sự đoàn kết, các trang mạng với hàng chục nghìn thành viên cùng nhau chia sẻ bản đồ vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta bao gồm chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
“Yêu nước không phải là đòi chiến tranh để cho quốc gia nào đó biết người Việt không sợ chết; mà yêu nước là cố gắng góp phần làm cho đất nước đủ mạnh để chiến tranh không bao giờ có thể xảy ra trên quê hương mình. Để đến khi không còn lựa chọn nào khác buộc phải có chiến tranh, kẻ thù sẽ biết thế nào là sức mạnh của một dân tộc yêu hòa bình”. Doanh nhân, diễn giả Trần Đăng Khoa |
Trước yêu cầu của đông đảo sinh viên trong trường, thầy giáo Đỗ Kiên Trung, giảng viên ĐH Kinh tế TP HCM phân tích tình hình biển Đông một cách sâu sắc, hóm hỉnh.
Bài viết của thầy Kiên cũng được đông đảo bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội. Thày Kiên khuyên học trò: “Thế hệ trẻ phải có hành động trước vận mệnh Tổ quốc. Các em ạ, muốn bảo vệ bờ cõi, nhất thiết phải có một trái tim thật nóng và một cái đầu cực lạnh. 4.000 năm nay, cha ông chúng ta đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ắt có lý do.
Lý do đó, theo lời của cụ Nguyễn Trãi, chúng ta đã: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chúng ta luôn khéo léo, mềm bên rắn, nhu bên cương.
Các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư vẫn đang kiên cường “khởi động”, một tấc không đi, một ly không dời. Anh bạn của thầy đang đóng trên tàu Cảnh sát biển 4032 ở Vũng Tàu nói rằng sẵn sàng chi viện ra miền Trung 24/24. Với kinh nghiệm giữ nước 4.000 năm của cha ông ta, và hãy vững tin vào các chiến sĩ với lá quốc kỳ đỏ thắm bên ngực trái sẽ bảo vệ sự vẹn toàn chủ quyền của Tổ quốc".
Khi Tổ quốc cần
Trước vấn đề biển Đông, doanh nhân, diễn giả Trần Đăng Khoa (SN 1981) viết: “Yêu nước không hẳn là cứ nhất định phải cầm súng để bắn vào một ai đó, vì nếu không được huấn luyện kỹ, cầm súng lên chưa chắc chúng ta đã kịp bắn ai, mà yêu nước là sáng suốt lựa chọn vị trí nào mình có giá trị nhất đối với đất nước. Nếu bạn nghĩ mình là một chiến sĩ can đảm, hãy tòng quân và cầm súng. Nếu bạn nghĩ mình có thể đóng góp về kinh tế, hãy xây dựng kinh tế. Mỗi mặt trận muốn thắng đều cần những chiến sĩ giỏi nhất. Chiến thắng thật sự và lâu dài đến từ sự kết hợp nhiều mặt trận chứ không chỉ riêng gì chiến trường”.
|
“Hướng về biển Đông” được đông đảo bạn trẻ chọn làm hình đại diện trên Facebook |
Anh Trịnh Ngọc Văn (Hà Nội) cho rằng chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn bởi Trung Quốc đưa giàn khoan ra không phải để “đi dạo” và xem phản ứng của Việt Nam. “Trung Quốc đã xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và nay là đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, chẳng phải Trung Quốc đang muốn thay đổi cả luật quốc tế hay sao? Cần phải thay đổi chiến lược bởi càng nhân nhượng chúng ta càng mất mát. Như vậy, ngoài truyền thông ra cộng đồng quốc tế thì cần phải có hành động cứng rắn hơn nữa". Anh Văn đề xuất.
Anh Hồ Nam Trung, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh kể, cách đây 35 năm, chiến tranh biên giới Việt – Trung, anh được sinh ra vài ngày trước khi ba anh nhận lệnh điều động nhập ngũ. Vì vậy ông bà nội đặt tên cho anh là Nam Trung để ghi nhớ sự kiện này vì hồi đó rất ít hy vọng ba anh sẽ trở về. Hạnh phúc cho gia đình anh là ba đã trở về trong yên bình.
“Tôi có người bạn bằng tuổi, bố bạn ấy cũng tham gia chiến đấu ở biên giới Việt - Trung nhưng bác nằm lại trên chiến trường. Tôi may mắn, hạnh phúc hơn bạn, nhưng lòng tự hào của bạn về người bố luôn làm tôi cảm phục, xúc động. 35 năm trôi qua, những vết thương trên mình những cựu binh năm xưa đã lành sẹo. Người Việt mình ngàn năm vẫn vậy, yêu hòa bình, bao dung và cả sự vị tha. Thế nhưng người Việt không để chủ quyền bị xâm lấn. Nếu lúc này Tổ quốc gọi tên, chắc chắn có tôi, có người bạn của tôi và sẽ có triệu triệu người khác nữa”, Trung chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất