Chủ shop online bắt đầu than khó khi bán hàng qua Facebook
Từ đầu năm 2018, Facebook thay đổi chính sách, trên news feed (bảng tin) của người dùng sẽ ưu tiên các nội dung từ bạn bè, thành viên trong gia đình và bớt các nội dung từ các nhà xuất bản, thương hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều Fanpage bán hàng bị giảm tương tác do có nội dung mang tính chất thương mại.
Chính Facebook cũng thừa nhận các page “có thể sẽ thấy hiệu ứng, thời gian xem video và lượng truy cập giảm”. Những page với nội dung mà người dùng “thường không like hoặc bình luận” sẽ gặp ảnh hưởng lớn nhất.
Gần đây, sau gần 3 tháng áp dụng, cộng đồng kinh doanh online tại Việt Nam cho biết đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ lần thay đổi này. Hầu hết shop online đều cho biết lượng tương tác xem các bài viết giảm hẳn, đồng nghĩa với việc muốn giữ doanh số bán hàng, lượng tương tác như trước kia, thì phải tăng ngân sách quảng cáo.
Trên nhiều shop online đang xuất hiện việc chủ shop kêu gọi khách hàng của mình bấm vào chế độ theo dõi và bật chế độ xem trước, từ đó mới nhận được lượng theo dõi trang bán hàng.
Anh Nguyễn Điệp, chủ một shop online tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chuyên bán đồ lưu niệm, cho biết chi phí quảng cáo trên Facebook đã tăng mạnh từ khi áp dụng chính sách mới. Trước kia, chi phí quảng cáo trên một lượt xem khoảng 44 đồng. Tuy nhiên, hiện tại chi phí quảng cáo trung bình đã 98 đồng/lượt xem, nghĩa là tăng gấp đôi.
Anh Điệp cũng bảo mức giá sẽ dao động ở nhiều khoảng, nhưng nhìn chung tăng cao hơn so với trước khi áp dụng chính sách mới. “Có hôm chi phí đến khoảng 128 đồng/lượt xem, thậm chí là 655 đồng. Nhưng cũng có hôm chỉ ở mức 65 đồng/lượt xem. Tuy nhiên, nhìn chung chi phí quảng cáo trên Facebook đã tăng mạnh”, anh Điệp nói.
Anh Điệp cũng nhấn mạnh, nếu tương tác giảm, ngân sách chạy quảng cáo mà giảm thì lượng tương tác gần như không đáng kể. Điều đó đồng nghĩa các chủ shop phải tăng chi tiêu ngân sách, hoặc chí ít phải giữ ngân sách. Chủ shop này miêu tả việc này giống như một dạng “hút máu” người bán hàng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Bùi Linh (quận Hai Bà Trưng) đang có một shop bán quần áo nữ online, cho biết cũng đang rất khó khăn khi phải tăng chi phí quảng cáo trên Facebook. Chị có một cửa hàng nhỏ nằm trong ngõ sâu, 90% doanh số đến từ việc chạy quảng cáo trên Facebook. Trước kia, hàng ngày chị mất khoảng 500.000 đồng ngân sách cho Facebook để quảng cáo. Tuy nhiên hiện nay con số đã lên đến mức 800.000-1.000.000 đồng.
“Phụ thuộc quá nhiều vào Facebook khiến chúng tôi bắt buộc phải chịu ảnh hưởng khi họ thay đổi chính sách. Việc tăng chi phí quảng cáo sẽ khiến chúng tôi phải tăng giá bán, hoặc phải giảm lợi nhuận lại. Đó là điều mà không chủ shop online nào mong muốn”, chị Linh chia sẻ.
Là một người chọn cách quảng cáo hàng thể thao thông qua các video hài hước tổng hợp trên Internet, anh Hoàng Nam (quận Đống Đa) lại cho biết shop của mình ảnh hưởng không đáng kể với chính sách mới của Facebook. Anh giải thích nguyên nhân bởi những video đó không phải là quảng cáo đơn thuần, nó có nội dung phù hợp với nhiều người, qua đó lượng tương tác không giảm.
Tuy nhiên, anh Điệp cũng nêu ra một số ưu điểm của việc thay đổi chính sách của Facebook. Đầu tiên, đó là giảm được cạnh tranh về giá sản phẩm. Theo đó, sẽ không có hiện tượng chủ shop phá giá, bởi chi phí đầu vào quá lớn. Nếu shop nào phá giá, ăn lãi ít, sẽ ngày càng thua lỗ và sẽ dần biến mất khỏi thị trường.
Ngoài ra, các shop cũng buộc phải tự thay đổi mình trong chiến lược quảng cáo trên Facebook. “Không thể quảng cáo ồ ạt như trước kia, giờ phải nâng cao chất lượng bài quảng cáo, phải biết tự nâng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra phải tìm kiếm các kênh quảng cáo khác để có thể phát triển bền vững”, anh Điệp chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh