Xã hội

Chủ tịch Hà Nội muốn tăng chế tài xử phạt để chống thực phẩm bẩn

(DNVN) - "Cần nâng mức chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay. Cụ thể, nếu cơ sở vi phạm khoảng 2, 3 lần thì cấm đến khi nào khắc phục thì cho làm lại, nhưng nếu tái phạm thì sẽ cấm vĩnh viễn", theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Sáng nay 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo VGP, tại hội nghị, đóng góp ý kiến thảo luận sau khi nghe báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, việc bảo đảm VSATTP nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua Thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra 9 đề xuất với Chính phủ. Theo ông Chung, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội là địa phương được thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường xã (Quyết định 38/2015/QĐ-TTg) và Đề án sản xuất rau sạch, thịt sạch theo chuỗi của Bộ NN&PTNT. 

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi triển khai thí điểm thanh tra và giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND từ cấp thành phố đến cấp phường, đã nhận thấy mô hình này phát huy hiệu quả rất cao. Vì vậy, TP. Hà Nội đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình này.

Thứ hai, việc kiểm tra các cơ sở nuôi trồng, giết mổ, kinh doanh… cần yêu cầu các cơ sở này niêm yết thông tin (nguồn gốc sản phẩm, địa chỉ, điện thoại cụ thể) để lực lượng kiểm tra giám sát có cơ sở xử lý rõ ràng.

Thứ ba, việc kiểm soát vận chuyển, lưu thông thực phẩm đã có quy định trong luật. Nhưng những quy định này hiện “nằm” ở nhiều thông tư khác nhau, do vậy, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chính phủ nên thông tin lại ngắn gọn trong một văn bản. Đồng thời, cần có thêm quy định bắt buộc về việc bảo đảm trang thiết bị bảo quản sản phẩm thực phẩm cũng như người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần có đầy đủ bảo hộ lao động… Tất cả những yêu cầu này phải có một khoảng thời gian nhất định để người tham gia vào chuỗi thực phẩm nắm được, chuẩn bị và tiến tới bắt buộc thực hiện.

Thứ tư, người sản xuất, kinh doanh phải có chứng chỉ. Theo ông Nguyễn Đức Chung, nên đưa ra lộ trình để người sản xuất, kinh doanh có thể học và chính quyền tuyên truyền về mức độ cần thiết của chứng chỉ. Nếu không có chứng chỉ thì kiên quyết không cho sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

 

Thứ năm, hiện việc đầu tư trang thiết bị cho thanh tra về an toàn thực phẩm còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết trong khoảng 3 đến 4 tháng nữa, Hà Nội sẽ nhập xe chuyên dụng để kiểm nghiệm thực phẩm.

Thứ sáu, Hà Nội đề xuất nâng mức chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay. Cụ thể, nếu cơ sở vi phạm khoảng 2, 3 lần thì cấm đến khi nào khắc phục thì cho làm lại, nhưng nếu tái phạm thì sẽ cấm vĩnh viễn. 

Thứ bảy, Việc thực hiện tuyên truyền làm thay đổi ý thức của cả hệ thống cần mạnh mẽ hơn.

Thứ tám, Hà Nội cũng đề xuất việc thúc đẩy các cơ sở sản xuất theo quy chuẩn VietGap và tiến hành chứng nhận, thông tin rộng rãi về những cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn này.

Cuối cùng, Hà Nội đề xuất các bộ, ngành cần xây dựng quy định để tăng chế tài xử phạt. Cùng với đó, đề nghị các bộ thường xuyên rà soát và công bố công khai việc nhập các chất sử dụng trong sản xuất thực phẩm và chất nào bị cấm thì địa phương mới biết để xử phạt. 

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo