Thị trường

Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ: Cấp bách đổi mới chuỗi liên kết

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt đổ xô vào thị trường bán lẻ VN khiến nhiều người e ngại về mức độ cạnh tranh, sự thống lĩnh thị trường và đánh bật các doanh nghiệp nội.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN khẳng định, trong tương lai, ngành bán lẻ VN sẽ hội nhập và phát triển cùng xu thế chung của thế giới.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam khẳng định, tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam (VN) sẽ đi về phía hội nhập và phát triển theo đúng xu thế chung của ngành công nghiệp bán lẻ Thế giới.

Bà đánh giá ra sao về việc hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn thua kém rất nhiều so với các nhà bán lẻ nước ngoài?

Theo tôi thì đây là điều hết sức tự nhiên và dễ hiểu, bởi các nhà bán lẻ nước ngoài vượt trội hơn hẳn chúng ta về kinh nghiệm kinh doanh, nguồn lực tài chính, mạng lưới phân phối, hệ thống bán hàng và một thương hiệu rộng lớn mang tính quốc tế. Trong khi đó, các DN bán lẻ trong nước vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, như vấn đề mặt bằng để xây dựng các siêu thị, trong khi các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng thì chính những vị trí đó lại dễ dàng hơn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ trong nước cũng gặp hạn chế trong việc huy động các nguồn vốn, vẫn còn đang loay hoay để đưa ra được chiến lược phát triển lâu dài, vẫn chưa xây dựng được một chuỗi liên kết trong ngành bán lẻ…

Tuy nhiên, một điều đáng ghi nhận đó là các DN nội đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc tìm con đường đi của mình.

DN bán lẻ VN cần làm gì trước sự cạnh tranh khốc liệt từ phía các nhà bán lẻ nước ngoài?

Có rất nhiều cách để làm nên thành công của các DN bán lẻ, tuy nhiên theo tôi lúc này, cần quan tâm nhất là lòng tin của người tiêu dùng. Các DN phải coi người tiêu dùng là trung tâm, mọi hoạt động là để phục vụ chứ không phải chỉ là kinh doanh, làm sao để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và có trách nhiệm với cộng đồng. Nói cách khác, đây là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của các nhà bán lẻ.

Bên cạnh đó, DN bán lẻ muốn thành công được cần phải thay đổi công nghệ quản lý, xu hướng tiếp thị làm sao để đưa đến cho người tiêu dùng cách tiếp cận tốt nhất về các mặt hàng. Công nghệ bán hàng là điểm yếu cố hữu của các DN Việt Nam hiện nay so với các nhà bán lẻ ngoại. Ví dụ như: cách thức trưng bày sản phẩm, hình thức thanh toán…

Bà có nghĩ rằng, để có thể tạo ra sự đối trọng với các DN ngoại, trong thời gian tới, bán lẻ VN nên đẩy mạnh bán lẻ hiện đại theo xu thế chung của thế giới?

Theo số liệu của Bộ Công thương, thế mạnh của VN hiện vẫn là bán lẻ truyền thống, và ước tính đến năm 2020, truyền thống vẫn chiếm đa số, bán lẻ hiện đại sẽ chỉ chiếm tỷ lệ 40-45%. Vì thế, để phù hợp với quy luật chung, VN vẫn sẽ tăng bán lẻ hiện đại, nhưng sẽ vẫn tiếp tục phát triển bán lẻ truyền thống.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ VN cũng đang đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ nông thôn, 1 thị trường rất tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác nhiều. Đây cũng hứa hẹn là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ.

Đến năm 2015, ngành dịch vụ sẽ mở toang cánh cửa hội nhập với ASEAN và cả thế giới, thách thức đặt ra là không nhỏ, vậy theo bà, DN VN cần làm gì để không bị lép vế so với các đối thủ?

Trước những thách thức của việc hội nhập, các DN trong nước cần phải nỗ lực, vượt qua được chính mình để có thể đứng vững được trong cuộc cạnh tranh này. Đồng thời, cần phải bình tĩnh, xác định rõ đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức, từ đó có những chiến lược phát triển phù hợp. Và để có thể trở thành 1 đối trọng với các DN nước ngoài, các nhà bán lẻ VN, bên cạnh các yếu tố về vốn, đào tạo nhân lực, cần quan tâm hơn nữa tới việc hoàn chỉnh chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng, phải tạo thành một hệ thống khép kín và linh hoạt. Đặc biệt, các DN bán lẻ VN cần liên kết lại với nhau thành chuỗi bán lẻ, tạo ra sức mạnh tập thể, như vậy mới có thể không bị lép vế so với các đối thủ nước ngoài.

Bà kỳ vọng gì ở tương lai ngành bán lẻ VN?

Trong tương lai, ngành bán lẻ VN sẽ phát triển theo hình thức càng ngày càng hiện đại cả về quy mô, cách thức và công nghệ, sẽ tích hợp và mang nhiều mô hình bán lẻ trên thế giới về, đồng thời sẽ có những nhãn hiệu riêng của họ. Có thể nói, bán lẻ VN sẽ vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các ngành bán lẻ khác, sẽ hội nhập và trở thành một bộ phận của ngành công nghiệp bán lẻ thế giới.

Xin cảm ơn bà!

Theo SeaTimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo