Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban Cải cách Tư pháp

Phiên họp nhằm góp ý vào báo cáo của ban chỉ đạo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

(VOV) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp lần thứ 10, nhằm góp ý vào báo cáo của ban chỉ đạo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trình bày dự thảo báo cáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về cơ bản các đại biểu đồng ý với nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhấn mạnh dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đồng thời dự thảo đã thể chế hóa những chủ trương đường lối chính sách lớn của Đảng về những vấn đề có liên quan được xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 5 (khóa XI) về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó xác định rõ chế độ chính trị bản chất Nhà nước và những nội dung yêu cầu cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Với trách nhiệm của mình, các đại biểu đã thảo luận cụ thể những nhóm vấn đề trong dự thảo như: Chế độ chính trị, Về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân; Về kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục; các chế định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ...

Đặc biệt các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các điều khoản của chế định toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, về quy định Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia...

Về Hội đồng Hiến pháp các đại biểu khẳng định, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, nhưng trong quá trình thi hành Hiến pháp khó tránh khỏi việc xảy ra các trường hợp vi phạm, vượt quyền hoặc không thực thi nhiệm vụ và gây tổn hại hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, của các tổ chức và cộng đồng được Hiến pháp bảo hộ. Vì vậy, để đảm bảo quyền lực Nhà nước, việc thực thi quyền lực không chệch khỏi quỹ đạo phục vụ lợi ích của công dân, của mọi người thì việc bảo vệ Hiến pháp là tất yếu khách quan.

Các đại biểu đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là cần thiết nhằm kiểm soát, hạn chế việc vi phạm Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp chỉ quy định quyền kiến nghị của Hội đồng là chưa hiệu quả, do đó, các đại biểu đề nghị để Hội đồng Hiến pháp thực sự là cơ quan thực quyền thì phải quy định quyền phán quyết của Hội đồng Hiến pháp, có nghĩa là có thể tạm đình chỉ văn bản vi hiến, điều này phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X nêu rõ “lãnh đạo xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động tư pháp”.

Thảo luận về chế định toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các đại biểu nhấn mạnh tính độc lập của tòa án khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và thể hiện được yêu cầu của cải cách tư pháp, kiến nghị bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm... giữ nguyên tắc “khi xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán”.

Đáng chú ý, Dự thảo báo cáo của Ban Cải cách Tư pháp Trung ương đề nghị bổ sung chế định Hội đồng Tư pháp Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là cần có một tòa án tư pháp độc lập để làm tốt nhiệm vụ xét xử công minh, công bằng, khách quan bảo vệ được công lý.

Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia sẽ có chức năng đảm bảo các điều kiện hoạt động cho tòa án nhân dân để tòa án các cấp cũng như thẩm phán có thể yên tâm hoạt động một cách độc lập, mọi hoạt động khác do Hội đồng Tư pháp đảm trách.

Đây là mô hình mới nên các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau đề nghị cần được làm rõ hơn về mặt lý luận và thực tiễn, chức năng và mối quan hệ giữa Hội đồng Tư pháp và tòa án cũng như bản chất của Hội đồng là gì...

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu thảo luận sôi nổi đóng góp ý kiến vào từng điều khoản, nhóm vấn đề nhằm góp phần cho bản báo cáo của ban chỉ đạo thực sự đảm bảo được tính khoa học, thực tiễn, đáp ứng mục tiêu của việc xây dựng bản Hiến pháp mới góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những phân tích sâu sắc và tâm huyết của các đại biểu, thể hiện sự nghiên cứu sâu sát vừa khái quát vừa tổng hợp trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.

Chủ tịch nước đề nghị các thành viên ban chỉ đạo trên cương vị công tác của mình cần tiếp tục cùng ban chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời Chủ tịch nước đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu trên tinh thần nghiêm túc, khoa học, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo góp ý của ban chỉ đạo để gửi lên Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm xây dựng được bản Hiến pháp đáp ứng được tâm nguyện của toàn đảng, toàn dân./.
 
 
 
Hồng Lĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo