Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch nước: Không ai có thể độc chiếm biển đông

"Lực lượng Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp trên biển Đông phải rút ngay về nước. Đó là đòi hỏi rất đơn giản và chính đáng", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ngư dân ngay tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). ảnh: Nam Cường

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Chi đội kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam) tại Đà Nẵng hôm qua (2/7), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương tinh thần quả cảm, kiên cường của lực lượng thi hành pháp luật trên biển, đặc biệt là kiểm ngư trong thời gian qua.

Cũng hôm qua, Chủ tịch nước cùng các cán bộ trong đoàn công tác đã gặp gỡ ngư dân Đà Nẵng, tận mắt chứng kiến những bằng chứng thể hiện sự hung bạo của Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa…
 
Ngư dân: Quyết bám Hoàng Sa
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), chứng kiến con tàu ĐNa 90152 rách tả tơi đang nằm trên đà (xưởng sửa chữa). Đây là con tàu bị các tàu cá Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa, nơi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào chiều 26/5. Tận thấy con tàu, Chủ tịch nước cho rằng, đây là một bằng chứng vô cùng quan trọng tố cáo sự hung bạo và ngang ngược của phía Trung Quốc ngay trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
 
Chủ tàu ĐNa 90152, chị Trần Thị Như Hoa cùng chồng và các thuyền viên kể lại cho Chủ tịch nước nghe diễn biến câu chuyện vào chiều 26/5, khi bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm. “Hiện tại gia đình vẫn còn một chiếc tàu ĐNa 90508 nữa để vươn khơi xa. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ ngư trường này” - chị Hoa khảng khái nói. Chủ tịch nước chỉ đạo lãnh đạo địa phương và các ban ngành hết sức tạo điều kiện để vợ chồng chị Hoa đóng mới tàu tiếp tục vươn khơi.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ngư dân ngay tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). ảnh: Nam Cường
 
Chủ tịch nước cũng gặp và trò chuyện với hàng chục ngư dân Đà Nẵng. Nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con đề đạt lên được Chủ tịch nước ghi nhận và hứa sẽ chỉ đạo các bộ ban ngành khẩn trương thực hiện.
 
Anh Lê Văn Chiến (thuyền trưởng ĐNa 90351), cho biết, hiện nay, bà con ngư dân miền Trung đang vô cùng khó khăn, đặc biệt khi ngư trường Hoàng Sa ngày càng bị thu hẹp.
 
“Trung Quốc lâu nay đã cấm biển ngư dân ta, họ xua đuổi bắt đầu từ kinh độ 110 - 113. Còn vĩ độ, họ cũng thu hẹp từ 15 - 18. Thời gian gần đây, họ đã bắt đầu mở rộng vùng cấm biển, gia tăng nhiều hành động ngang ngược như đâm va, thậm chí cố tình truy sát tàu cá Việt”.
 
Anh Chiến cũng cho rằng, việc đầu ra bấp bênh là nguyên nhân chủ yếu khiến tàu cá xa bờ nằm bờ nhiều, riêng Đà Nẵng hiện có hơn 80% tàu cá công suất lớn nằm bờ. “Hai năm trước, đi một chuyến được 10 tấn, thu về 300 triệu. Nay cũng được 10 tấn, giá sụt xuống một nửa. Lỗ không chịu nổi”.
 
Anh Trương Văn Minh (tàu ĐNa 90304), khảng khái: “Ngư trường Hoàng Sa không những là nồi cơm của ngư dân mà còn là chủ quyền dân tộc, vì thế, sống hay chết thì bà con cũng nguyện bám biển”. Theo nguyện vọng của anh Minh, việc giải quyết đầu ra cho hải sản, tăng cường sự hiện diện nhiều hơn nữa của kiểm ngư và cảnh sát biển tại Hoàng Sa để ngư dân tự tin, vững lòng hơn là việc cần thiết.
 
Trước nhiều thắc mắc của ngư dân về việc đóng tàu sắt, thu mua hải sản, thủ tục vay vốn…, Chủ tịch cho hay sẽ giải đáp cụ thể hơn vào hôm nay (3/7) trong buổi làm việc với chính quyền Đà Nẵng về kinh tế biển.
 
Tình hình biển Đông vẫn rất phức tạp
 
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Chi cục Kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam), và tận mắt chứng kiến con tàu Kiểm ngư 951 đang được sửa chữa ở xưởng đóng tàu X50 (thuộc Tổng Cty Sông Thu). Đây là con tàu đã bị nhiều tàu Trung Quốc quây vào đâm gây hư hỏng nặng vào ngày 23/6.
 
“Tàu chúng ta nhỏ hơn, đó là sự thật, nhưng chúng ta vẫn bình tĩnh, gan dạ và tỉnh táo để không mắc mưu ai cả. Chúng ta kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, không tàu nào của chúng ta sử dụng bạo lực, điều đó chắc chắn phía Trung Quốc cũng thấy rất rõ. Chúng ta chỉ đòi hỏi một điều: Lực lượng Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp trên biển Đông phải rút ngay về nước. Đó là đòi hỏi rất đơn giản và chính đáng của chủ nhà” - Chủ tịch nước nói.
 
Chủ tịch nước cho biết, chắc chắn thời gian tới tình hình trên biển Đông vẫn còn rất phức tạp, bởi Trung Quốc vẫn còn nguyên âm mưu độc chiếm biển Đông. Vì thế, lực lượng kiểm ngư tiếp tục phát huy sức mạnh, tinh thần kiên cường.
 
“Làm sao có thể độc chiếm được biển Đông trong tình hình toàn cầu hóa như hiện nay. Không thể nào! Tôi chắc chắn rằng không thể nào dùng sức mạnh đơn thuần để độc chiếm biển Đông. Tạm thời anh có thể chiếm ưu thế, nhưng về lâu dài là không thể. Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò, âm mưu độc chiếm biển Đông là chuyện quá khôi hài” - Chủ tịch Trương Tấn Sang kết luận.
 
Bên con tàu KN 951 đang được sửa chữa, Chủ tịch nước đã động viên tinh thần và chúc lực lượng kiểm ngư nhanh chóng khắc phục sửa chữa để tiếp tục làm nhiệm vụ. “Sau lưng các đồng chí là hơn 90 triệu dân” - Chủ tịch Trương Tấn Sang dặn dò.
 

Sẵn sàng mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền

Hôm qua (2/7), Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh đã tiếp xúc cử tri tại TP Đà Nẵng. Nhiều cử tri của quận Hải Châu cho rằng, đã hơn 2 tháng Trung Quốc đưa giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Hoàng Sa của Đà Nẵng và đến nay vẫn chưa rút và leo thang căng thẳng bằng các hành động vô nhân đạo như liên tục đâm tàu cá của ngư dân và đâm cả tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam.

Vậy làm sao chúng ta đuổi được cái giàn khoan ấy ra khỏi Hoàng Sa? Đảng, Nhà nước sẽ có những biện pháp nào để bảo vệ được chủ quyền biển đảo Tổ quốc? Ông Nguyễn Bá Thanh cho hay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện những biện pháp hòa bình để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng).

“Chúng ta yêu hòa bình nhưng cũng sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống xấu nhất để sẽ bảo vệ, đòi lại chủ quyền từng tấc đất, mét biển của Tổ quốc” - ông Thanh nói.

 
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo