Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công bố minh bạch hệ số đền bù theo khu vực

Sáng 22-11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì giao ban tiến độ các dự án, cụm công trình chậm triển khai giai đoạn 2011 -2015 để có giải pháp thích hợp.

Năm 2012 rót được… 2% vốn 55 công trình dự án

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 10-5-2012 Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tiến độ chi tiết 37 công trình, cụm công trình trọng điểm (trong tổng số 55 công trình) trong đó có 35 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hai dự án chuẩn bị hoàn thành và 18 dự án trong giai đoạn thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến cho 55 dự án là 163.649 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong năm 2012, số tiền vốn được phê duyệt mới chỉ đạt 2531 tỷ ( khoảng 2% nhu cầu của các dự án).

Về tiến độ triển khai, đã có hai dự án hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu vượt tại nút giao Thái Hà – Chùa Bộc và Thái Hà – Láng Hạ; 12 dự án triển khai đúng tiến độ như dự án xây dựng cầu vượt nhẹ tại nút giao Nguyễn Chí Thanh – đường Láng, Lê Văn Lương – đường Láng, đường Nam Hồng trên tuyến Mai Dịch – Nội Bài, xây dựng nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn… còn lại 41 dự án bị chậm tiến độ.

Trong số 41 dự án chậm tiến độ, có 31 dự án chậm trong công tác chuẩn bị đầu tư, một dự án khối nông nghiệp chậm trong công tác chuẩn bị thực hiện, chín dự án chậm thực hiện đầu tư. Một số dự án đến nay chưa xác định được địa điểm đầu tư như hai cơ sở hỏa táng ở phía Bắc và Nam Thành phố.

Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, hiện Ban đang có hai dự án trọng điểm là tuyến đường sắt số 3 và Tuyến đường Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đều bị vướng vì mức đầu tư.

Tuyến đường sắt số 3 có tổng mức đầu tư ban đầu là 18.000 tỷ đồng nhưng nay dự kiến phải lên đến con số 32.000 tỷ đồng. Vì số tiền chênh lệch so với ban đầu quá lớn, và theo quy định của pháp luật thì Sở Kế hoạch đầu tư không thể trình Thành phố vì chưa xác định được nguồn vốn bổ sung để Thành phố phê duyệt còn các nhà đầu tư chưa chịu chắp bút chấp nhận sẽ đầu tư bổ sung khi chưa biết chính xác Thành phố phê duyệt nguồn vốn bổ sung là bao nhiêu.

Dự án Nhà hát Thăng Long, đầu tư ban đầu là 3000 tỷ đồng nhưng đã lên đến gần 4.875 tỷ đồng, dự kiến xây dựng 2014 – 2017, khó khả thi vì thời gian gấp, khó thu xếp nguồn vốn.

“Riêng tiền tư vấn của dự án đã tiêu hết 375 tỷ đồng, lại triển khai theo hình thức BT nên rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Tình trạng thiếu vốn, cần bổ sung nguồn vốn kiểu này cũng xảy ra ở dự án bệnh viện 1000 giường ở Mê Linh và nhiều dự án khác.

Ba dự án BT của tuyến đường 70 cũng bị liệt vào danh sách chậm tiến độ, trong đó có một dự án đưa vào BT nhưng chưa có nhà đầu tư, đất đối ứng... Điều này là rất khó triển khai dự án đúng tiến độ khi mà thị trường bất động sản đang trầm lắng, không thu hút được nhà đầu tư. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định: “Nếu cứ đi theo đường đó thì chắc chắn là chậm tiến độ. ”

Một cán bộ địa chính, khó ôm hết việc

Sở Kế hoạch Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chính của các dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây là các dự án có khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư rất lớn, trong khi chế độ, chính sách đền bù vẫn còn nhiều bất cập, giá đền bù chưa đáp ứng sát giá thị trường. Hơn nữa, chất lượng nhà tái định cư chưa đảm bảo, việc phân bổ địa điểm tái định cư chưa hợp lý; một bộ phận nhân dân còn chưa đồng thuận, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án...

Ông Trương Quang Thiều - Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội cho biết: Chính sách của Thành phố gỡ về giải phóng mặt bằng đã mở tối đa, tập trung quyết liệt, tháo gỡ ngay khi có phát sinh. Hiện nay chậm là do công tác tổ chức thực hiện ở các Ban quản lý dự án, quận, huyện, xã. Trình tự xây dựng cơ bản của 17/55 công trình hiện chưa xong, 14 công trình không phải giải phóng mặt bằng, tám công trình đã giải phóng mặt bằng xong, 16 công trình đang triển khai…

Đại diện Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho hay, đến thời điểm này nhiều nơi còn chưa lập phương án giải phóng mặt bằng, xã chưa xác định được nguồn gốc đất trong khi các chủ đầu tư gần như đừng ngoài cuộc như …không phải chuyện của mình. Có một số quận, huyện có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như: Sóc Sơn, Ba Vì, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ… nhưng lại chỉ có một cán bộ địa chính để thẩm định nguồn gốc hồ sơ đất đai nên rất khó.

Sẽ xác định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng theo khu vực

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: Thực tế trong 55 công trình trọng điểm, đến đã có ba đến bốn công trình hoàn thành; cuối tháng 12 sẽ hoàn thành thêm cầu vượt Nam Hồng. 12 công trình đang triển khai đạt yêu cầu. Tiến độ giải ngân, trên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thi công các công trình trọng điểm còn rất nhiều khó khăn, chậm.

Theo ông Thảo nguyên nhân chính của tình trạng chậm triển khai là do thiếu vốn, quy trình, thủ tục trong quá trình chuẩn bị xây dựng còn nhiều, dẫn đến chậm thực hiện, các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt giải quyết các khó khăn.

Cụ thể trong năm 2013 Thành phố sẽ thúc đẩy việc hoàn thành 18 công trình dự án đang thực hiện, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình dân sinh bức xúc như hỏa tasdc, rác thải, nước thải, ô nhiễm lòng sông…Về nguồn vốn, Thành phố cố gắng có mức giải ngân như năm 2012 dù dự báo thu ngân sách khó khăn. Với các nguồn khác, cố gắng cân đối theo tiến độ yêu cầu như phát hành trái phiếu.

Về giải phóng mặt bằng, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng vướng mắc chính là hệ số giá trị sử dụng đất bồi thường. Nhân dân luôn đòi hỏi cao hơn, sát với giá thị trường. Chủ tịch giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở quy hoạch xác định từng khu vực đưa hệ số bồi thường, trình Hội đồng nhân dân thông qua. Với những trường hợp không đủ hồ sơ bồi thường phải đưa vào đặc thù giải quyết ngay. “Công bố công khai minh bạch hệ số, nếu chủ đầu dư có dự án ở khu vực nào thì cứ hệ số đền bù của khu vực đó mà áp”.

Mặt khác, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị các Sở ban ngành đơn giản hóa các quy trình, thủ tục triển khai dự án tránh việc “sở nọ hành sở kia”. Trong thời gian tới, Thành phố cần rà soát lại năng lực các chủ đầu tư, cần thiết sẽ rút các ngành không có năng lực, không có chuyên môn.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Nhân Dân)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo