Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch VCCI: Người Việt có tư tưởng tự cứu mình rất cao

“Thời điểm đó cải cách thể chế rất mạnh. Vai trò khu vực kinh tế tư nhân được đề cao. Khắp Việt Nam mang một bầu không khí đổi mới thúc đẩy nền kinh tế”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói với BizLIVE.

 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

“Thời điểm đó”, như lời ông Lộc, chính là 10 năm về trước, khi ông cùng nhà sử học Dương Trung Quốc gửi đề xuất thành lập Ngày Doanh nhân Việt Nam lên Thủ tướng Chính phủ.

10 năm thăng trầm
 
Ông còn nhớ nhiều về câu chuyện đó? 
 
Trước khi đưa kiến nghị thành lập Ngày Doanh nhân lên Thủ tướng, tôi và nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một quá trình trao đổi, ấp ủ từ lâu.
 
Sau một thời gian liên tục tổ chức các diễn đàn xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tôi phát hiện từ điển tiếng Việt không có hai từ “doanh nhân”. Quan niệm về doanh nghiệp cũng như chủ trương của Đảng về phát triển về doanh nhân chưa có, mặc dù lúc đó đã có nghị quyết riêng về nông dân, công nhân, đội ngũ trí thức…
 
Sau này, tôi được xem tấm ảnh chụp Bác Hồ gặp giới công thương Hà Nội sau hai tuần đọc tuyên ngôn độc lập, ngày 18/9/1945. Thời điểm sau ngày độc lập, giới công thương với tư cách là giới chức xã hội đầu tiên đã được Bác tiếp với cương vị là Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức ảnh này do nhà sử học Dương Trung Quốc tặng cho tôi và hiện được lưu giữ tại phòng làm việc của tôi tại VCCI.
 
Hơn một tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã gửi một bức cho giới công thương vào ngày 13/10, trong đó nhấn mạnh rằng, “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này…”. Hơn ai hết, Bác là người hiểu rất rõ về vai trò của doanh nhân trong một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
 
Bức thư hai trăm chữ này tôi đọc rất kỹ, tôi thấy thực sự rất hay, và tôi coi đây là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về doanh nhân, trong đó khẳng định rõ ràng hơn sứ mệnh, vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế quốc dân. 
 
Trong khi trước đó, vì những lý do lịch sử, giới doanh nhân từng bị coi là đối tượng cần cải tạo, từng bị coi là con phe con buôn. Hình ảnh họ không mấy tốt đẹp. Nhưng, bối cảnh của những năm đầu thế kỷ 21 đã cho phép “giới công thương” nhận được cái nhìn khác hẳn. Họ trở thành lực lượng xung kích, tiên phong trong nền kinh tế thị trường.
 
Thời điểm đó, tôi và ông Dương Trung Quốc hiểu, cơ hội để làm sống lại thông điệp của Bác Hồ và một hình thức xác lập vai trò của doanh nhân trong thời đại mới đã tới. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định hiện thực hóa bằng một đề xuất gửi lên Thủ tướng Phan Văn Khải.
 
Quá trình này diễn ra khá nhanh. Cuối tháng 8/2004 tờ trình được gửi đi thì ngày 20/9, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định chọn 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
 
Ở các nước khác họ không có ngày doanh nhân như Việt Nam, bởi họ đã trải qua kinh tế thị trường hàng trăm năm rồi, nên vai trò doanh nhân là tất yếu.
 
Ông nghĩ, vì sao quyết định thành lập Ngày Doanh nhân được thông qua nhanh chóng như vậy? 
 
Tôi nghĩ, sự nhanh chóng là do thời điểm quyết định. 
 
Thời điểm đó cải cách thể chế rất mạnh. Vai trò khu vực kinh tế tư nhân được đề cao.  Khắp Việt Nam mang một bầu không khí đổi mới thúc đẩy nền kinh tế. 
 
Đề xuất của chúng tôi đã gặp đúng thời điểm cho việc đề cao vai trò doanh nhân. Lúc đó không khí kinh doanh giống như trẩy hội, rất sôi nổi. Một người chỉ cần có một vài triệu đồng cũng lập được doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh lại rất thuận lợi.
 
Ông cảm nhận thế nào về cộng đồng doanh nhân hiện nay, sau một thập kỷ cộng đồng này có một ngày dành riêng chọ họ?
 
10 năm qua, vị trí của doanh nhân đã không ngừng được khẳng định trong đời sống chính trị của đất nước.
 
Cũng là mốc thời gian 10 năm, chúng ta đã chứng kiến những bước thăng trầm mạnh mẽ của doanh nhân. Trong những năm đầu  khi nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, cơ hội tiếp cận vốn rẻ, dễ dàng, quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều… tốc độ phát triển doanh nhân đạt được bước cao nhất về số lượng, các doanh nhân mải mê với việc tận dụng cơ hội kinh doanh. 
 
Tuy nhiên, chính sự phát triển bùng nổ, có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản, ít chú ý tới các yếu tố nền tảng về chiến lược, quản trị… đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt vào tình trạng khó khăn khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về kinh tế vĩ mô trong nước vào những năm sau đó.
 
Nhưng từ  cuối năm 2013, đầu năm 2014, với những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách cùng với việc nền kinh tế thế giới cũng có dấu hiệu phục hồi, quá trình sản xuất kinh doanh bắt đầu có những phục hồi biến đổi. Mặc dù còn chậm nhưng vững chắc hơn. 
 
Những hiệp định thương mại tự do như vậy mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng thu hút vốn đầu tư. Cũng tạo ra áp lực cho cải cách thể chế mới. 
 
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước các cơ hội phát triển mới, đang được thúc đẩy bởi cải cách trong nước cũng như tác động từ các hiệp định thương mại tự do đối với các đối tác lớn mà chúng ta đang thực hiện. Đó là bức tranh chung của doanh nhân Việt Nam từ ngày thành lập doanh nhân.
 
Ông đã từng chia sẻ, hai chữ “đắt” nhất trong bức thư Bác Hồ gửi cho giới công thương vào ngày 13/10/1945 chính là “tận tâm”. Liên hệ hai chữ “đắt” nhất này với thời gian những trở lại đây, ông thấy Chính phủ, các bộ ban ngành và ngay đối với bản thân VCCI đã thực sự quyết liệt để “tận tâm” với giới công thương ?
 
“Tận tâm” là lời dặn của Bác. Đó cũng chính là cam kết của Chính phủ Hồ Chí Minh đối với doanh nhân, doanh nghiệp. 
 
Trong thời gian vừa rồi chúng ra đã có cố gắng, nhưng vẫn chưa thực hiện được những điều Bác mong đợi. Đợt đột phá thể chế lần này, một trong những yêu cầu đặt đó là thực hiện bằng được điều này.
 
Hệ thống thể chế phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nhà nước phải có trách nhiệm tận tâm với doanh nghiệp. Mặc dù trong quá trình thực hiện hai điều này, chúng ta đã tiến tới một bước dài nhưng để đạt được thì phải trải qua một con đường gian nan.
 
Với Hiến pháp mới, Luật Đầu tư và doanh nghiệp sửa đổi đợt này chúng ta đang cố gắng đạt được nhiều điều như vậy. Lãnh đạo Đảng và nhà nước, Thủ tướng, các bộ trưởng… đang làm với tinh thần như vậy. 
 
Nhưng quan trọng nhất ở đây chính là lớp cán bộ thừa hành. Một chị văn thư, một anh chuyên viên, bảo vệ hàng ngày tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp… Vậy làm sao để sự tận tậm đó thể hiện ở ngay những cán bộ cấp cơ sở đó, đây chính là mắt xích quan trọng. 
 
Phải đưa cam kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống tận đội ngũ công chức đó là hành trình rất gian nan và đang được gia tốc. Vì chưa đạt được nên chúng ta phải thực sự cố gắng.
 
Không còn “sân nhà” hay “ao nhà” nữa
 
Mới đây, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: Trong 10 năm gần đây chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như lúc này. Và thực tế số doanh nghiệp “chết” vẫn ngày càng cao qua mỗi kỳ thống kê. Ông nhận xét gì về điều này? Điều này có liên hệ gì với nhận xét “có chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp cộng đồng doanh nghiệp” của ông khi nói về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh mới đây?
 
Trong thời gian vừa rồi, chúng ta có nhiều nỗ lực. Nhưng nỗ lực chưa đủ, chuyển biến chính sách còn chậm.
 
Chẳng hạn như bây giờ giờ chúng ta mới phát hiện tại sao ở Việt Nam, giờ nộp thuế lên tới 872 giờ, trong khi trung bình các nước ASEAN 6 là 171 giờ! Ngay cả luật về kinh doanh, chúng ta đã đưa ra một số giấy phép con nhưng không cần thiết.
 
Tư duy chính sách, sự tận tâm đều có những cái chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nếu chính sách thông thoáng hơn, bộ máy chính quyền tận tâm hơn thì doanh nghiệp cũng sẽ khác rồi. 
 
Nhưng đó là cái giá phải trả cho quá trình phát triển. Khi đã nhận thức được rồi thì việc tiếp theo là phải đột phá. Chính giai đoạn khó khăn vừa rồi dạy cho chúng ta rất nhiều bài học. 
 
Về số doanh nghiệp “chết”, tôi nghĩ nên được đánh giá theo hai góc độ: Một là môi trường kinh doanh khó khăn, chỉ có doanh nghiệp có thực lực mới trụ vững được.
 
Thứ hai, đó là sự sàng lọc của thị trường và quá trình tái cấu trúc diễn ra rất mạnh mẽ. không cho phép những doanh nghiệp không đủ sức tồn tại. Đó là tín hiệu vui cho nền kinh tế. Nếu tay không bắt giặc mà tồn tại thì chỉ có đưa nền kinh tế đi xuống. 
 
Con số giải thể chính là kết quả của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Chúng ta càng đẩy mạnh việc này thì con số doanh nghiệp giải thể sẽ phải tăng lên. Giải thể chứ không hẳn là “chết”, họ có thể chuyển sang lĩnh vực khác, từ quán phở họ có thể sang quán cơm. Chính sự sàng lọc này tạo nên một thế hệ doanh nhân có sức cạnh tranh hơn. Vì vậy, chúng ta đừng quá bi quan. 
 
Muốn đòi hỏi giá trị giá tăng cao mà cứ thấy doanh nghiệp “chết” thì kêu giời lên là không được rồi. 
 
Là người đã gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp một thời gian dài, ông thấy đâu là điểm mạnh và điểm yếu nhất của thế hệ doanh nhân bây giờ? 
 
Tinnh thần kinh doanh và tư tưởng tự cứu mình của người Việt rất cao. Không ai chịu ngồi yên, người ta tìm mọi cách tạo lập doanh nghiệp, dù nhỏ. Sức chịu đựng của doanh nhân Việt cũng rất tốt. 
 
Về hạn chế thì có thể thấy, trong quá trình kinh doanh thuận lợi, thị trường dễ dãi trước đây đã khiến nhiều doanh nhân lơ là các yếu tố cốt lõi. Một bộ phận kinh doanh không bài bản, không có chiến lược, quản trị doanh nghiệp thì luộm thộm, chưa chú trọng xây dựng đội ngũ chất lượng. 
 
Doanh nghiệp Việt đông nhưng tương đối yếu. Nhiều doanh nhân khác thì chú trọng đến đầu cơ, chú tâm vào làm ăn kiểu quan hệ, mạo hiểm. Không thực sự đầu tư công nghệ, vào nhân lực, do vậy sức sống nội sinh yếu.
 
Môi trường kinh doanh sắp tới sẽ sản sinh, sàng lọc và chỉ chấp nhận doanh nhân bài bản, có năng lực thực sự, chứ không có kiểu làm ăn chộp giật, thời cơ.
 
Tố chất con người Việt Nam thông minh, ham học hỏi, khi môi trường lành mạnh sẽ sản sinh ra một đội ngũ doanh nhân mạnh hơn trong thời gian tới.
 
Đội ngũ doanh nhân trẻ hiện nay đang chuyển mình, họ được đào tạo bài bản hơn xưa. Tôi tin đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ tạo ra sức bật lớn cho nền kinh tế. Còn với các doanh nhân thế hệ đi trước, qua một thời gian khó khăn họ trở nên vững vàng và “đằm” hơn.
 
Thưa ông, thống kê cho thấy xuất siêu của Việt Nam đang nằm ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc này nói lên điều gì?
 
Các doanh nghiệp FDI thường đến từ các nền kinh tế phát triển cao hơn. Họ có mạng lưới thế giới, họ có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Họ có chiến lược kinh doanh tốt hơn, tầm nhìn dài hạn. Do vậy, họ có hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn là điều dễ hiểu. 
 
Vấn đề chính là hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp FDI không có sức lan tỏa trong nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp nội địa. Bản thân các doanh nghiệp ngoại này chưa có nỗ lực liên kết cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cũng chưa có chính sách gì ràng buộc đối với họ về việc này. Bản thân các doanh nghiệp Việt cũng chưa vươn tới được các chuẩn mực quốc tế để tham gia trong chuỗi liên kết của họ.
 
Đây là trách nhiệm từ hai phía, phía Nhà nước phải thúc đầy doanh nghiệp trong nước làm sao vươn tới chuẩn mực thế giới, kết nối với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời có các yêu cầu đối với doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ vệ tinh ở Việt Nam.  
 
Đã hội nhập đã phải cạnh tranh. Họ có thể chiến thắng trên sân mình, mình cũng có thể thắng trên sân nhà họ. Tất cả đều bình đẳng như nhau. Vấn đề là năng lực cạnh tranh. 
 
Trên thực tế, có những bộ phận ưu tú trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã làm được như thế. Họ đã vươn ra tầm thế giới, họ mua lại được các công ty, tập đoàn nước ngoài.
 
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nếu làm ăn bài bản, có trách nhiệm xã hội, vươn tới chuẩn mực thế giới. Bây giờ không còn “sân nhà” hay “ao nhà” nữa, chúng ta đang trong một thế giới phẳng.
 
Theo BizLIVE.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo