Chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân
Trong buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, tổ chức trưa 1-4, Bộ trưởng GTVT dành hơn 30 phút trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan những đề xuất thu phí gần đây của bộ này.
Ông Thăng cho biết, phí bảo trì đường bộ thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ có hiệu lực từ tháng 7-2009, chứ không phải sáng kiến mới của ngành GTVT.
Đáng ra, các nghị định, thông tư phải hoàn thành từ thời điểm đó, nhưng làm chậm nên đến nay mới ban hành phí này và thực hiện từ 1-6-2012.
Còn phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội (QH).
Trước đó, trong báo cáo tổng thể gửi QH, Chính phủ đề cập hai loại phí này và trong nghị quyết về phiên chất vấn, QH tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, của Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông.
Căn cứ vào Nghị quyết QH, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ liên quan khẩn trương xây dựng đề án về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Như vậy, hai loại phí này cũng không phải là tự ý hay sáng kiến của Bộ GTVT. Về thời điểm thu, ngay từ đầu, bộ chưa đề xuất bởi nền kinh tế đang khó khăn.
“Tôi có thể khẳng định chúng tôi chưa đề xuất và kể cả có đề xuất thì năm nay cũng chưa thể thực hiện được vì cần quy trình và thời gian nhất định. Do vậy, không có chuyện năm nay thu”, ông Thăng nói.
Tăng xe bus, phải hạn chế xe cá nhân
vẫn nan giải bài toán ùn tắc nội đô. |
Tiền Phong: Đáng ra phải phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thì mới đánh phí hạn chế phương tiện cá nhân, còn đề xuất như vừa qua có phải là quy trình ngược?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Từ chủ trương của Đảng, QH, Chính phủ, Bộ GTVT mới triển khai thực hiện. Đề án hạn chế phương tiện cá nhân nằm trong tổng thể các giải pháp đồng bộ cả trước mắt cũng như lâu dài, cả về quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các giải pháp về hạn chế phương tiện.
Nhà báo nói phải đầu tư hạ tầng tốt, vận tải công cộng tốt mới hạn chế phương tiện cá nhân thì chúng tôi xin tiếp thu nhưng đấy cũng chỉ là một vế bởi phải làm đồng thời.
Muốn tăng xe bus, chúng tôi sẵn sàng, nhưng vì xe máy, ô tô rất nhiều nên không thể phát triển xe bus được. Nếu tăng thêm xe bus chắc chắn sẽ tắc đường.
Về chất lượng dịch vụ vận tải, Bộ đang làm việc với các đơn vị vận tải để nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái, phụ xe. Điều này cần một quá trình và chúng tôi mong sự chia sẻ.
Chính thông tin báo chí cũng giúp chất lượng vận tải công cộng tốt hơn cũng như đạo đức công vụ của lái, phụ xe.
Tiền Phong: Bộ trưởng nói rằng các giải pháp phải đồng bộ nhưng rõ ràng hiện nay vận tải công cộng không đáp ứng được thì có thu phí cao để hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân vẫn không có lựa chọn nào khác?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thực tế không thể làm xong giải pháp này mới làm giải pháp khác mà phải làm đồng thời. Chính vì vậy, việc hạn chế phương tiện cá nhân là một lộ trình nhất định.
Việc thu phí ngoài mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, còn có mục tiêu rất quan trọng là tăng nguồn thu để đầu tư hạ tầng. Như hiện nay đang triển khai 5 cầu vượt lắp ghép tại thành phố Hà Nội.
Nếu có tiền, chúng ta đầu tư khoảng 50 cầu thì giao thông Hà Nội sẽ cơ bản được cải thiện. Khi giảm ùn tắc thì toàn bộ người dân sẽ được lợi, kể cả người đóng phí, giảm thời gian, chi phí lưu thông trên đường.
Hiện nay dù phí cao nhưng ¾ xe vẫn đi đường Sài Gòn - Trung Lương, trong khi QL 1A không thu phí. Bởi theo các doanh nghiệp, đi đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương chi phí rẻ hơn đi QL 1A.
Do vậy, chúng ta phải làm đồng thời, khi giảm phương tiện cá nhân sẽ tăng thêm được xe bus, cải tiến chất lượng dịch vụ. Trường hợp xe cá nhân không hạn chế được nhiều thì cũng có thêm kinh phí để nâng cấp hạ tầng, cải thiện tình hình giao thông.
Thu phí không dễ
Ùn tắc ở nội đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
TBKTSG: QH thông qua nghị quyết chất vấn chung, trong đó có nội dung nhỏ là GTVT. Vậy Bộ trưởng có lường trước việc đề án cụ thể này không được thông qua như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đề án của Bộ GTVT ngay ở Chính phủ cũng chưa chắc được thông qua. Nhưng về trách nhiệm, Bộ vẫn phải làm hết trách nhiệm.
Hoặc khi Chính phủ thông qua mà QH có thông qua hay không là thẩm quyền của QH. Quan điểm của bộ là làm với trách nhiệm cao nhất, chứ không phải đưa đề án lên được hay không được cũng trình.
Chất lượng của đề án phải tốt, có căn cứ thực tiễn, bám sát các căn cứ trong nghị quyết của Đảng, QH, Chính phủ, cũng như mục tiêu đem lại lợi ích cho đa số người dân. Làm sao hạ tầng, an toàn giao thông tốt lên thì mọi người đều được hưởng.
ĐĐK: QH đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, vậy tại sao Bộ GTVT lại lựa chọn giải pháp thu phí là giải pháp đầu tiên và triển khai rất quyết liệt?Phải chăng việc thu phí là dễ nhất nên triển khai đầu tiên?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi không nói thu phí của dân là giải pháp dễ nhất. Còn trong thực tế, Bộ làm tất cả các giải pháp đồng bộ, chứ không phải chỉ thu phí.
Như về quy hoạch, bộ đang cùng các địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay cũng đang khẩn trương cải tạo mở rộng QL 1A lên 4 làn xe ô tô, 2 làn xe máy, mục tiêu đến 2016 hoàn thành; nâng cấp đường sắt, cảng hàng không, tổ chức phân làn, luồng; sửa đổi Nghị định 34 về xử phạt vi phạm giao thông để đảm bảo tính răn đe…
Tất cả các giải pháp đồng bộ chúng tôi đều đang triển khai. Bộ đang làm rất nhiều thứ chứ không phải riêng đề án thu phí, nhưng đề án này các nhà báo viết nhiều quá thôi.
Có thể chúng tôi cung cấp thông tin chưa đầy đủ, nhưng với các bài báo giật tít như “Phí chồng phí”, “Phí đè lên người dân”… thì bản thân tôi là người dân cũng giật mình. Việc thu phí chỉ trong giai đoạn lịch sử nhất định, nếu sau này hạ tầng tốt rồi thì có khi còn khuyến khích ai có điều kiện thì sử dụng ô tô.
Chỉ thu phí hạn chế xe máy tại 5 thành phố
NLĐ: Bộ đã đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trong những năm qua, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus và đã được Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng có chiến lược đảm bảo an toàn giao thông đến 2020 và định hướng 2030 và đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Trong các đề án đều có số liệu thống kê để đánh giá tác động của chính sách. Các đề án rất công phu, nhiều số liệu.
Bộ làm theo quy trình chứ không phải là tự ý hay sáng kiến của Bộ GTVT. Tuy nhiên, không phải nói như vậy để trốn tránh trách nhiệm mà trách nhiệm trình là của Bộ GTVT trước Đảng, QH và nhân dân.
Trước đây, Bộ đề xuất mức thu 20- 50 triệu đồng/xe ô tô. Sau khi có ý kiến nhân dân, Bộ đã tiếp thu và chia ra các mức, trong đó có mức 10 triệu đồng/xe/năm đối với xe dưới 1.0 và tăng dần theo dung tích xi lanh.
Theo tính toán của chúng tôi, mỗi năm sẽ thu được từ 12.000- 15.000 tỷ đồng phí hạn chế phương tiện cá nhân của 600.000 xe ô tô cá nhân. Đây là bước thực hiện thí điểm, sau đó Bộ sẽ tổng kết, đánh giá.
Còn xe máy, chỉ thu phí hạn chế phương tiện ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và chỉ thu ở khu vực nội đô. Đối tượng người nghèo được miễn phí.
Mức thu và đối tượng thu cụ thể giao HĐND và UBND 5 thành phố quy định. Như vậy, không có chuyện thu phí hạn chế xe máy trên cả nước, bởi vừa qua rất nhiều người dân gọi điện, nhắn tin cho tôi hỏi tại sao lại thu phí này ở các tỉnh. Trước mắt chỉ thí điểm thu tại khu vực nội đô 5 thành phố lớn, sau đó tổng kết đánh giá để đề xuất tiếp.
Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ mục đích, đánh giá tác động đến người dân
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy về 2 loại phí (phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm) liên quan rất nhiều đến người dân nên đã giao các bộ ngành có ý kiến cụ thể.
Trong đó, đặc biệt lưu ý phải phân tích rất kỹ mục đích, nội dung, đánh giá được những tác động đến người dân và nền kinh tế, từ đó đưa ra những luận cứ khoa học, sát thực tiễn để trình Thủ tướng trước khi trình Chính phủ xem xét.
Từ đó, Chính phủ mới quyết định trình Quốc hội. Hiện nay, vấn đề này mới dừng ở mức Bộ GTVT đề xuất, các bộ, ngành đang xem xét có ý kiến, sau đó mới tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. |
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất