Chuẩn bị tổ chức Toà án và Viện Kiểm sát khu vực
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị.
Theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân được tổ chức gồm 4 cấp, trong đó cấp Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Viện Kiểm sát nhân dân cũng được tổ chức thành 4 cấp phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân.
Báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của ngành tòa án nhân dân cho biết, tính đến thời điểm hiện nay 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xong bước xây dựng Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của địa phương mình.
Theo các Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của các địa phương, tính đến thời điểm báo cáo, dự kiến sẽ thành lập 427 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, giảm 268 đơn vị so với số lượng tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay (chiếm tỷ lệ 38,5%).
Trong đó, có 191 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được giữ nguyên từ Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay (chiếm 44,73%); 207 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được sáp nhật từ 2 Tòa án nhân dân cấp huyện (chiếm 48,47%); 25 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được sáp nhập từ 3 Tòa án nhân dân cấp huyện (chiếm 5,9%); 4 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được sáp nhập từ 4 Tòa án nhân dân cấp huyện (chiếm 0,9%).
Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và ngành Tòa án nhân dân thống nhất cao với chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, coi đây là khâu đột phá trong việc đổi mới hệ thống tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp; hệ thống Tòa án nhân dân gồm 4 cấp, trong đó Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền Toà án.
Báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập Viện Kiểm sát nhân dân khu vực của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chủ trương thành lập Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và đưa ra những đề xuất cụ thể.
Theo đó, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về tiêu chí thành lập Viện Kiểm sát nhân dân khu vực theo phương châm ưu tiên giảm thiểu những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận công lý và coi đây là tiêu chí quan trọng nhất, đồng thời số lượng và địa hạt của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực được xác định một cách linh hoạt đối với từng vùng, miền…
Nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan cho hoạt động tư pháp
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nêu rõ, cải cách là việc luôn khó, cải cách tư pháp lại là việc càng khó hơn vì liên quan đến hệ thống cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng, là bộ máy bảo đảm công lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học, căn cứ tình hình thực tiễn, có tham khảo mô hình các nước có nền tư pháp hiện đại, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết và đã có sự chỉ đạo một cách rất thận trọng cho quá trình cải cách này.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân (trong đó có việc tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, không theo cấp hành chính) đã được Đảng ta đề cập từ nhiều năm, bằng nhiều văn kiện. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng. Qua thảo luận tại Hội nghị, về cơ bản các đại biểu tiếp tục thống nhất cao với chủ trương này.
Việc thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực bên cạnh thuận lợi cũng còn những khó khăn. Nhưng xét về tổng thể, thuận lợi vẫn là cơ bản, các khó khăn, vướng mắc đều có thể khắc phục được. Do đó, cần nhận thức rằng, việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực tuy có khó khăn bước đầu nhưng có thể khắc phục được và sẽ góp phần rất quan trọng trong việc khắc phục những khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay của hai ngành Tòa án và Kiểm sát, bảo đảm nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan cho hoạt động tư pháp.
Từ nay đến năm 2015, trong khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cần tập trung chuẩn bị đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, phát triển hệ thống luật sư, trợ giúp pháp lý.
Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất