Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước Bộ TT&TT diễn ra sáng 3/11/2014, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành chuẩn bị tổng kiểm tra toàn diện các nhà xuất bản.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết thời gian qua có nhiều nội dung "nóng bỏng" thuộc lĩnh vực xuất bản (mới nhất là vụ yêu cầu 4 nhà xuất bản gồm Thanh Niên, Trẻ, Văn hoá Thông tin và Hồng Đức phải thu hồi, tiêu hủy các bản sách Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất do nội dung không chính xác - PV).
Đây là sự nóng bỏng tất yếu sau khi Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực xuất bản - phát hành có hiệu lực.
"Hiện nay Cục đang phải đương đầu với việc giải quyết hậu quả của 2 chế độ. Có những cuốn sách xuyên 2 chế độ, chế độ cũ in lậu 2-3 lần, đến chế độ mới in lậu 2-3 lần nữa. Yêu cầu chất lượng ngày càng cao với các xuất bản phẩm và công tác xuất bản. Mong lãnh đạo Bộ TT&TT và cơ quan liên quan hỗ trợ nhân lực và tài chính để Cục tiến hành công tác thanh tra chuyên ngành", ông Chu Văn Hoà nói.
Đánh giá cao hoạt động của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận xét: "Trong tháng qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã làm được nhiều việc, rà soát kỹ các ấn phẩm, xem xét các sai phạm của một số nhà xuất bản.
Thời gian tới, đề nghị Cục tiếp tục xem xét rà soát các ấn phẩm, xuất bản phẩm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, nhất là một số nhà xuất bản có dấu hiệu để xảy ra nhiều sai phạm. Vừa rồi Cục đã kiểm tra toàn diện hoạt động xuất bản.
Đề nghị Cục sớm hoàn thiện báo cáo kiểm tra các nhà xuất bản, có thể đề xuất trên cơ sở đó tổng kiểm tra toàn diện các nhà xuất bản, tập trung một số nhà xuất bản hay xảy ra sai phạm".
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành có kế hoạch bố trí cán bộ tập trung cho những khâu nghiệp vụ quan trọng, nhất là khâu lưu chiểu, kiểm tra lưu chiểu, thanh tra chuyên ngành; đặc biệt quan tâm tới khâu đọc lưu chiểu, trong lúc biên chế còn khó khăn thì có kế hoạch trình lãnh đạo Bộ cho cơ chế sử dụng cộng tác viên để đọc giúp.
Được biết cả nước đã có tổng số 63 nhà xuất bản. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, chỉ có một vài nhà xuất bản hoạt động tốt, còn đa số hoạt động yếu kém.
Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn lại các nhà xuất bản, chẳng hạn như quy định mỗi tỉnh có không quá một nhà xuất bản (trừ Hà Nội và TP.HCM); các nhà xuất bản tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi nhà xuất bản chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể...
Đặc biệt, sẽ đóng cửa những nhà xuất bản được thành lập cho có để liên kết bán giấy phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động.
Theo Infonet