Chuẩn hóa "máy móc" xưng hô công sở sẽ thành... trò cười!
Đó là ý kiến của ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12, trao đổi với PV sáng 2/7 về đề án sắp tới của Bộ Nội vụ có quy định giao tiếp nơi công sở.
PV: Thưa ông, mới đây Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu trên báo chí cho hay, một trong những đề án được Bộ này triển khai trong thời gian tới là ban hành quy định giao tiếp nơi công sở, cụ thể là việc xưng hô "chú-cháu", "bác-cháu" nơi công quyền sẽ không còn. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Văn Cuông: Theo tôi, vấn đề ở đây nếu Bộ Nội vụ quy định một cách máy móc, cứng nhắc là rất khó thực hiện. Bởi vì văn hóa Việt Nam mang tính chất truyền thống “kính trên, nhường dưới” và xưng hô lễ phép nó cũng thể hiện tôn ti trật tự xã hội cho nên vẫn còn mang tính nặng nề, chứ không giống như các nước Châu Âu chỉ có 1 cặp xưng hô chung nhất thôi (ví dụ cặp "I – you" trong tiếng Anh). Còn đối với nước ta có rất nhiều ngôi xưng hô như: cháu, bác, chú, mày, tao, anh, chị, em… nên cách xưng hô rất phức tạp.
Trong giao dịch công chức ở nơi công sở, làm công việc chung mà cứ gọi "bác - cháu", "chú- cháu"… tôi thấy không bình đẳng và mang tính chất gia đình quá. Như thế cho ta cảm thấy có gì đó lệ thuộc lẫn nhau chứ không bình đẳng và không khách quan trong mối quan hệ làm việc nơi công sở.
PV: Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên vừa mới ra trường vào làm việc nơi công sở tuổi chỉ bằng con cháu những người lớn tuổi ở cùng cơ quan, nếu xưng hô "tôi - anh" sẽ bị coi là vô lễ, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Đúng vậy. Nhưng bây giờ không cho gọi theo giao tiếp hàng ngày thì cũng rất khó, cứ cứng nhắc gọi là đồng chí, tuy nhiên có phải ai cũng gọi nhau được là đồng chí đâu, bởi vì đồng chí thường là cách xưng hô trong đảng viên với nhau.
Hay gọi bằng ông, bà trong cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND chẳng hạn, các cơ quan dân cử thường hay có cách xưng hô bằng ông, bà.
Còn trong công sở có thể gọi "anh/chị", theo tôi có thể dùng như thế để cho khách quan. Nhưng nếu gọi như vậy về lứa tuổi, tuổi tác thì người lớn tuổi sẽ cho rằng người ít tuổi có cái gì đó phạm thượng, làm cho người được nghe có cảm giác thiếu thông cảm và tạo ra cho người công chức cảm giác khó quen.
Chứ chả lẽ vào công sở thì gọi bằng "anh- tôi", khi ra ngoài giao dịch dân sự, tình cảm thì lại gọi khác đi, tức là lúc thế này, lúc thế kia, nó mang tính chất không thống nhất cách gọi. Lúc bước chân vào công sở trong giờ làm việc thì xưng hô "tôi- anh/chị", nhưng hết giờ làm việc lại gọi là "bác/cháu". Tôi thấy việc xưng hô như thế là rất khó thực hiện.
PV: Như vậy đề án của Bộ Nội vụ quy định về cách xưng hô nơi công sở sẽ khó thực hiện, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Tôi thấy rằng quy định bỏ xưng hô "chú - cháu", "bác - cháu" nơi công sở của Bộ Nội vụ sẽ khó thực thi khi đưa ra thực hiện và khó đi vào cuộc sống, chứ không phải đơn giản. Quy định thì dễ, có thể yêu cầu là thế, nhưng nó có đi vào cuộc sống hay không, hay mang tính chất ngượng ngùng, khó áp dụng.
Nếu ngượng ngùng việc xưng hô sẽ trở thành trò cười với nhau vì nó mang tính chất hình thức, mang tính chất không thực lòng, lời nói ra chỉ mang tính đúng với quy định, nhưng trong thâm tâm thấy băn khoăn, áy náy.
Cho nên tôi nghĩ rằng về việc này cần suy nghĩ thêm. Bộ Nội vụ trước khi ban hành cũng cần phải tìm hiểu nhiều đối tượng và dư luận xã hội xem họ có đồng tình không và liệu có đi vào cuộc sống không. Đôi khi ban hành quy định nhưng không đi vào cuộc sống, lại trở thành đàm tiếu, mất uy tín. Cơ quan công quyền mà lại ban hành những văn bản không phù hợp với cuộc sống sẽ trở nên lạc lõng.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng công sở vẫn xưng hô theo độ tuổi trong giao tiếp nhưng khi vào cuộc họp thì nên xưng hô “tôi - đồng chí”, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Đương nhiên rồi, xưng hô trong cuộc họp, hội nghị thì tất nhiên phải khác, chứ không thể giống như giao tiếp bình thường được. Nếu như trong cuộc họp của Đảng thì xưng "tôi - đồng chí". Nếu như trong cuộc họp cơ quan dân cử cả tôn giáo, quần chúng thì xưng hô gọi bằng "ông/ bà". Trong cơ quan thì dùng từ "anh, chị" hơn là xưng tôi, người ta nhiều tuổi hơn thì gọi là "anh, chị". Khi mà làm việc số đông hội nghị thì nên xưng "tôi, anh". Còn nếu như ở cơ quan mà lên gặp thủ trưởng trình bày vấn đề này kia thì họ có thể gọi "anh, chị, bác, cháu" tùy theo lứa tuổi, tức là giao dịch xen lẫn công tư, còn khi họp hành thì phải rạch ròi.
Tuy nhiên, cũng cần quy định cách xưng hô trong các hội nghị, cuộc họp, hoặc tiếp khách đối ngoại cũng phải từng bước chuẩn hóa cách xưng hô đi, đừng mang tính chất gia đình hay mất bình đẳng quá. Nếu quy định cụ thể quá sẽ trở nên ngượng ngùng và khó đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo