Chứng khoán

Chứng khoán sáng 12/12: Điều chỉnh đã xong?

Thị trường càng về cuối phiên sáng nay càng ấm dần. Thanh khoản nhích nhẹ và giá phục hồi ở khá nhiều cổ phiếu blue-chips. Riêng các mã đầu cơ nhỏ vẫn rất “thảm”.

HNX-Index không có độ phục hồi mạnh rõ rệt do các cổ phiếu lớn ở sàn này yếu hơn nhiều so với HSX.

Khả năng ổn định giá của nhóm blue-chips một lần nữa phát huy tác dụng trong những nhịp điều chỉnh giá như phiên hôm nay. Sự hoảng hốt hôm qua chỉ kéo dài đến khoảng 11h nhưng mức độ cũng không lớn. VN-Index lúc thấp nhất giảm 0,31% so với tham chiếu. Chốt phiên sáng, chỉ số này chỉ đã tăng 0,07%.

Một số cổ phiếu lớn có tác động mạnh đến VN-Index là GAS, MSN, BVH. GAS tăng nhẹ 0,78%, MSN tăng 0,58% và BVH tăng 0,77%. VN30-Index vẫn chưa thực sự khỏe trở lại, vẫn giảm 0,1%.

Mặc dù vẫn là một số cổ phiếu lớn làm đẹp điểm số, nhưng đà phục hồi là rất dễ nhận ở hầu hết các mã blue-chips. Rổ VN30 lúc yếu nhất trước 11h có tới 25 mã giảm, nhưng tới lúc kết thúc phiên sáng chỉ còn 10 mã. Trong số 10 mã này, cũng chỉ có FPT, GMD, PPC là giảm hơn 1 bước giá. FPT giảm 0,43% so với tham chiếu, dừng ở mức 46.600 đồng. Thực tế FPT cũng có mức phục hồi nhất định từ ngưỡng 46.400 đồng. GMD cũng vậy, đi lên từ 33.500 đồng tới 33.700 đồng, thu hẹp mức giảm còn 0,88%. PPC phục hồi rất mạnh từ 23.600 đồng tới 24.100 đồng, giảm 0,82%...

Một số khá lớn các cổ phiếu quay lại được tham chiếu như CSM, CTG, DPM, DRC, EIB, VIC, VNM. Một số khác bật tăng khá tốt như BVH, HSG, SSI. Rổ VN30 có tổng cộng 8 mã tăng, trong đó duy nhất SBT là tăng trọn phiên, còn lại đều là phục hồi từ mức giá giảm.

Sáng nay xuất hiện giao dịch thỏa thuận lớn của VNM ngay sau khi thị trường mở cửa. Giao dịch này được cộng dồn vào số liệu giao dịch chung trên nhiều bảng điện tử khiến nhà đầu tư dễ lầm tưởng xuất hiện đột biến giao dịch trong phiên mở cửa. Thực tế HSX mở cửa chỉ có 18,94 tỷ đồng, thấp nhất trong 16 phiên gần đây. Điều này thể hiện tâm trạng vẫn rất lo lắng của nhà đầu tư.

VNM xuất hiện rất nhiều giao dịch tách biệt về thời gian chứ không liên tục. 13 giao dịch lớn nhất xuất hiện đầu phiên có khối lượng 6,8 triệu cổ, tương đương 1.020 tỷ đồng. Khối lượng này được thỏa thuận ở giá trần 150.000 đồng. Điều này khác biệt xa với giao dịch trên sàn khớp lệnh, VNM chỉ khớp 42.740 cổ phiếu, tương đương gần 6 tỷ đồng, giá đứng mức 141.000 đồng.

Đây có thể là các giao dịch thỏa thuận của quỹ nước ngoài như đã thông báo trước. Nếu như vậy thì sẽ còn xuất hiện nhiều giao dịch nữa với VNM vì có tổng cộng 13,4 triệu cổ cần chuyển nhượng.

Giao dịch lớn của VNM tạo một chút sôi động cho HSX trong vài phút đầu phiên. Tuy nhiên những giao dịch dạng này và sự nhầm lẫn trên bảng điện nhanh chóng bị phát hiện. Thị trường quay trở lại những phút giao dịch ảm đạm kéo dài. Thanh khoản tăng rất chậm và giá giảm dần. Khoảng hơn 1 tiếng lao dốc của VN-Index đã đưa VN-Index quay trở lại đỉnh cũ hồi cuối tháng 10 quanh mức 503 điểm. Đây được xem là mức hỗ trợ cho chỉ số này.

HSX đã khởi sắc trở lại sau khi chạm mức 503 điểm như một phản ứng được dự đoán trước. Các blue-chips như đã nói ở trên, là đối tượng phục hồi đầu tiên. Tuy nhiên mức tăng mạnh nhất nẳm ở một số cổ phiếu ngoài rổ này như FLC, PAN, HCM.

Ngược lại, các cổ phiếu đầu cơ nhỏ có phản ứng chậm chạp, thậm chí không xuất hiện cầu khác biệt bao nhiêu. Nhiều mã vẫn giảm sàn và mất thanh khoản như VPH, VHG, VNH, PXL, ICF, UDC, DCT, PTL. Một số cổ phiếu được bắt đáy có hiệu quả như KMR, MCG, BGM, TLH nhưng mức giảm giá vẫn lớn.

Trên sàn Hà Nội, cứu cánh xuất hiện với việc ACB tăng 0,65% suốt từ gần 10h đến hết phiên sáng. ACB đã giúp HNX-Index chỉ giảm 0,17% và HNX30-Index giảm 0,14%. Tuy nhiên phần lớn cổ phiếu quan trọng ở sàn này vẫn tham chiếu hoặc giảm, không có sự khởi sắc nổi bật như trên HSX.

Các cổ phiếu thanh khoản hàng đầu của HNX như PVS, SCR, KLF, PGS, FIT, KLS vẫn đang giảm giá, dù mức độ không lớn. Quy mô giao dịch của sàn này giảm tới 30% so với hôm qua, chỉ đạt 144,5 tỷ đồng.

Mức giảm nhẹ hơn ở HSX, khoảng 26%, đạt 518,4 tỷ đồng. Thanh khoản suy yếu với mức giảm giá khá nhẹ, tốc độ giao dịch rất chậm thể hiện sự bình tĩnh nhất định. Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại một bull-trap có thể xảy ra. Tuy nhiên với những blue-chips mà đa số là chưa tăng bao nhiêu, lực cầu dài hạn vẫn đang chấp nhận mua vào, tạo lực đỡ ổn định. Hôm qua blue-chips giảm sốc với thanh khoản rất cao, sáng nay đã cân bằng lại đáng kể, dù giá vẫn còn yếu.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo