Chứng khoán sáng 28/11: KMR bị “đập” sàn, hàng nóng vẫn “trì”
KMR bị phân phối từ hôm qua, mặc dù giá không suy yếu. Tuy nhiên KMR đã có những đợt sụt giảm trong phiên đó và khối lượng dư bán còn nhiều. Ngay lúc mở cửa sáng nay, KMR bất ngờ rơi thẳng xuống giá sàn với lượng giao dịch khá nhỏ: 61.110 cổ phiếu.
Giao dịch này không phải ngẫu nhiên, đã có nhiều nhà đầu tư quyết định thoát bằng được. Chỉ trong 5 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, hàng trăm ngàn cổ phiếu lập tức được tung ra, quét sạch dư mua giá sàn và trở thành dư bán sàn.
Đây thực sự là biến động khá sốc với KMR vì những lần rung lắc trước, KMR chỉ giảm nhẹ xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên quan điểm đánh giá vẫn rất khác nhau, một số lớn nhà đầu tư vẫn cho rằng khả năng điều chỉnh là bình thường, thậm chí được xem là cơ hội. Bằng chứng là vẫn có một khối lượng rất lớn mua vào. Tộng cộng sáng nay KMR khớp giá sàn tới 1,36 triệu cổ phiếu và có lúc bên mua đã thành công trong việc chặn mua sàn, đẩy giá phục hồi từ 9.800 đồng lên 10.000 đồng.
Mặc dù vậy hôm nay vẫn là một ngày không may mắn cho KMR, khối lượng hàng có nhu cầu thoát ra vẫn rất lớn. Sau vài phút tưởng như phục hồi thành công, KMR lại bị chặn bán sàn hàng trăm ngàn cổ phiếu. Tính ra sáng nay người bán cũng đã chốt lời được gần 14,5 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Nói chốt lời là vì dù rơi xuống giá sàn 9.800 đồng, những nhà đầu tư mua T+3 vẫn đang có lãi. Giá cao nhất trong ngày T+0 cũng chỉ là 9.400 đồng. Chỉ những ai mua vào 2 ngày qua là lo lắng.
KMR là điều chỉnh thật hay chỉ rung lắc, hay điều chỉnh T+3 thì không thể biết trước được. Vấn đề chính là không một cổ phiếu nào có thể tăng giá mãi được, đến lúc nào đó cũng phải chốt lời, nhất là khi lợi nhuận đã gấp đôi gấp 3. Trong những lần chốt lời trước của KMR, dòng tiền đầu cơ vào sau đủ khỏe để đẩy giá đi thêm một nhịp dài nữa. Khả năng điều chỉnh đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền vào nối tiếp trong những phiên tới.
Cách giao dịch ở KMR thể hiện sự dứt khoát trong các hoạt động đầu cơ. Tăng cực mạnh thì cũng có thể giảm cực mạnh nếu dòng vốn đồng loạt thoát ra. Tuy nhiên bất chấp việc mất thanh khoản bán ở KMR sáng nay, vẫn có hàng loạt cổ phiếu đầu cơ khác tăng nóng mà lực lượng đầu cơ không hề e ngại kịch bản ở KMR lặp lại.
Đầu tiên phải kể đến VNH, phiên kịch trần thứ 30 sáng nay vẫn diễn ra “ngon lành”. Cầu khống chế hết thanh khoản và cũng chẳng mấy người bán ra. VNH chỉ giao dịch 4.760 cổ, tương đương 35 triệu đồng, không tạo được sức ép gì. Còn 276.520 cổ phiếu đang chặn mua trần VNH.
Kế đến là VHG, cổ phiếu đang được “lăn chốt” sau khi điều chỉnh giá thực hiện quyền hôm 27/11. Hôm nay là phiên kịch trần thứ 2 và KMR đã phần nào tác động đến VHG. Đầu phiên hàng triệu cổ chặn mua trần duy trì sức ép rất tốt. Đến giữa phiên sáng lượng bán tăng vọt và đã trên 4,1 triệu cổ được xả ra. VHG có lúc lùi xuống dưới tham chiếu một bước giá, nhưng rốt cục cầu vẫn đủ mạnh. Khối lượng chặn mua trần đang còn 1,1 triệu cổ. VHG dẫn đầu thị trường về thanh khoản, giao dịch gần 45,9 tỷ đồng.
Các mã “không sợ hãi” là DCT, MDG, VOS, TNT, ICF, VNA, UDC. Hàng trăm ngàn cổ phiếu vẫn đang lao vào tranh mua trần ở những mã này cho tới cuối phiên sáng.
Một số cổ phiếu khác cũng bắt đầu bị xả lớn như MCG. Phiên kịch trần thứ 4 của MCG đã bị chặn lại sáng nay dù vẫn có lúc xuất hiện lệnh giao dịch giá trần. Khối lượng chặn bán đủ lớn để đáp ứng các nhu cầu mua và MCG chỉ tăng 4,48%. Giao dịch cũng đã gần 2,9 triệu cổ phiếu, tương đương 20,2 tỷ đồng.
Tổng cộng sàn HSX có 24 mã đang đứng ở giá trần, nhưng một số mã không thực sự khỏe theo nghĩa được chặn mua trần.
Sàn HNX có 17 mã trần thì chỉ lác đác vài mã được chặn mua trần tương đối khá như UNI, LUT, VPC, SRB. Còn lại KHB, CVN, PV2, KHL, MAX, BVG cũng đang bị xả. Những mã này hôm qua vẫn chắc chân ở giá trần, hôm nay đã xuất hiện lượng hàng bán ra dồi dào, giá vẫn tăng nhưng thanh khoản dễ dàng cho cả hai chiều.
Nhóm cổ phiếu nhỏ hôm nay thu hút chú ý lớn của thị trường vì có khả năng sẽ biến động rất mạnh. Blue-chips không duy trì được đà tăng cho điểm số nhưng thị trường vẫn sôi động và hào hứng do có tâm điểm để theo dõi.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,12% do ảnh hưởng của VNM giảm 0,69%, MSN giảm 1,2%. VN30-Index may mắn tăng 0,05% chủ yếu do yếu tố kỹ thuật khi chỉ số này giới hạn quy mô vốn hóa tối đa nên hai mã trên không phản ánh hết được. Ngoài ra BVH, GMD, HSG là những mã giảm đáng chú ý.
Tại HNX, cả hai chỉ số đều giảm. HNX-Index mất 0,2% trong khi HNX30-Index mất 0,06%. Rổ cổ phiếu lớn của HNX may mắn có SHB bất ngờ tăng đúng phút cuối. Nhìn chung rổ này không đến mức kém như VN30 do phần lớn các mã vẫn đứng tham chiếu. PVS và SHB, VND tạo ảnh hưởng chính.
Giá trị giao dịch sáng nay đã giảm 11%, chỉ đạt 701,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là các blue-chips giao dịch kém. REE, VNM, PPC giao dịch còn kém xa VHG, FLC, HQC, MCG. Thậm chí các cổ phiếu lớn khác còn xếp sau cả ITA, DXG, KMR. Ở HNX thì FIT, KLF giao dịch lớn nhất lại không thuộc rổ HNX30.
End of content
Không có tin nào tiếp theo