Chứng khoán: Tín hiệu tích cực đầu năm mới
Thị trường chứng khoán đang ở vào thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, để bứt phá, ghi dấu ấn đậm nét hơn trong năm 2014.
Nói như vậy bởi sự xuất hiện của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của ngành tài chính vừa diễn ra.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của người đứng đầu cơ quan chèo lái chính sách tiền tệ tại hội nghị toàn quốc của cơ quan cầm lái chính sách tài khóa cho thấy mối quan hệ gắn kết và nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Giá trị tinh thần của sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như sự phát triển của TTCK đã và đang chuyển hóa thành giá trị vật chất.
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, kết quả của sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ bước đầu được thể hiện khi kết thúc năm 2013, sự phối hợp đó đã góp phần quan trọng cho hoàn thành thu chi ngân sách nhà nước theo dự toán, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng GDP hợp lý.
Kết thúc năm 2013, thị trường chứng khoán đã “hồng hào” hơn như lời hứa của ông Bình khi mới nhận nhiệm vụ đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khỏe, quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều cải cách.
Các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên về điều này, nhưng những người làm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không bất ngờ, bởi hoạt động của khu vực ngân hàng được điều chỉnh, bổ sung lượng vốn đáng kể cho thị trường vốn.
Động thái này hỗ trợ cho cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn hoạt động lành mạnh hơn, qua đó dần đảm bảo cho thị trường tài chính vững vàng hơn khi đi bằng hai chân.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa những tác động tích cực của sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mối quan hệ này không nên mang tính cơ học, mà cần “đạt đến tầm nghệ thuật”, khi lúc nào phát hành trái phiếu chính phủ, đưa tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước ra, khi nào bù đắp thiếu hụt vốn bằng tín dụng của ngân hàng, để duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, giảm thiểu sức ép lên lạm phát…
Chỉ khi có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của hai ngành thì thị trường tài chính mới thực sự là công cụ điều hành vĩ mô sắc bén của Chính phủ, đồng thời khắc phục được tình trạng cát cứ như trước đây, khiến “ông tài khóa” được việc, nhưng “ông tiền tệ” bối rối và ngược lại.
Tăng cường phối hợp giữa hai ngành, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đề nghị, hai bên cần tập trung tái cấu trúc thị trường trái phiếu, để trái phiếu chính phủ “ra tấm, ra món”, tăng thanh khoản. Tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng và công ty chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi không ít ngân hàng đứng sau công ty chứng khoán, nên để tái cấu trúc đồng bộ, cần hai ngành phối hợp chặt chẽ hơn.
Hai bên, nhất là ngành tài chính cần chú trọng hoàn thiện chính sách về kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp…, để góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính của các doanh nghiệp, nhất là hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán, qua đó tạo động lực cho cải cách doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước còn mong muốn phối hợp với Bộ Tài chính trong sớm cho ra đời công ty xếp hạng tín nhiệm cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Đáp lại sự cởi mở, thẳng thắn và chân tình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng phát đi những thông điệp thể hiện sự sẵn sàng của ngành tài chính trong việc phối hợp với chính sách tiền tệ, nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực điều hành lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Sự bắt tay giữa ngân hàng và tài chính là tín hiệu tích cực để có thêm những kỳ vọng mới về sự phát triển vững chắc hơn của thị trường chứng khoán trong năm mới.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo