Chứng khoán toàn cầu đồng loạt đổ dốc
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 52,4 điểm, tương ứng với mức giảm 0,33%, xuống còn 15.973,13 điểm. Chỉ số SS&P 500 hạ nhẹ 5,75 điểm, tương ứng với mức giảm 0,32%, xuống còn 1.802,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm nhẹ 8,3 điểm, tương ứng với mức giảm 0,2%, xuống còn 4.060,49 điểm.
Vấn đề chi phối chính thị trường hôm qua vẫn là nội dung cuộc họp sắp tới của các nhà hoạch định chính sách thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhiều nhà đầu tư lo ngại, ngay sau cuộc họp này, FED sẽ bắt đầu tiến hành thu hẹp các biện pháp nới lỏng định lượng, vốn đã hỗ trợ không ít cho sự đi lên của thị trường thời gian qua.
Hôm đầu tuần, một số lãnh đạo FED đã có bài phát biểu, trong đó ám chỉ việc ngân hàng trung ương Mỹ có thể đã tiến gần hơn tới việc thu hẹp các chương trình thu mua tài sản hàng tháng. Các số liệu kinh tế tăng trưởng gần đây đã củng cố thêm quyết tâm từ bỏ các biện pháp hỗ trợ kinh tế của giới hoạch định chính sách ở FED.
Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 11, các nhà tuyển dụng khu vực phi nông nghiệp ở quốc gia này đã tạo thêm 203.000 việc làm mới, cao hơn dự báo của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 7% trong tháng 11 từ mức 7,3% tháng 10. Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất 5 năm.
Theo kết quả điều tra dư luận do Reuters tổ chức và công bố hôm 9/12, các chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng FED sẽ bắt đầu giảm dần quy mô biện pháp nới lỏng định lượng từ tháng 3 năm tới, song một số nhà kinh tế cũng tin rằng động thái này có thể bị FED đưa ra ngay trong tháng 12 này hoặc tại cuộc họp tháng Giêng năm sau.
Phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu liên quan tới lĩnh vực chăm sóc y tế giảm mạnh nhất trong số 10 nhóm ngành cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, dù giảm điểm, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn đóng cửa trên đường trung bình động 14 ngày. Theo giới phân tích, đây là một dấu hiệu tích cực cho giới đầu tư chứng khoán ở thị trường Mỹ.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình 6,1 tỷ cổ phiếu từ đầu tháng 12 tới nay. Số mã giảm điểm vượt hơn số tăng trên sàn New York với tỷ lệ 3/2, còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ này là khoảng 2/1.
Trong số các cổ phiếu tăng điểm, đáng chú ý nhất là Twitter. Cổ phiếu mạng xã hội này đã tăng lên 52,58 USD, cao nhất kể từ khi chính thức lên sàn, gấp hơn hai lần mức chào bán lần đầu ra công chúng. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng gây chú ý không kém, như cổ phiếu Facebook tăng 2,9%, cổ phiếu của Yahoo vọt mạnh 3,5%.
Ở chiều ngược lại, được quan tâm nhiều nhất là cổ phiếu của hãng sản xuất xe hơi General Motors. Cổ phiếu GM giảm mạnh 1,2% xuống còn 40,40 USD, sau khi hãng này tuyên bố, Giám đốc điều hành Dan Akerson sẽ "nghỉ hưu" trong tháng tới và người lên thay thế là bà Mary Barra, chủ nhiệm bộ phận phát triển sản phẩm toàn cầu.
Sự đi xuống của thị trường chứng khoán không nằm ngoài xu thế áp đảo các sàn giao dịch toàn cầu trong ngày giao dịch 10/12. Đóng cửa trước đó, các sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt ở châu Âu, châu Á cũng ngập chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất, với mức hơn 1%, là chỉ số CAC 40 của thị trường chứng khoán Pháp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo