Chứng khoán

Chứng khoán: Vì sao thanh khoản thấp vẫn có thể là… tích cực?

Mức phục hồi khoảng 2,4% trong tuần này của VN-Index, ít nhất cũng là một tín hiệu vui sau một tuần lao dốc gần 6% trước đó.

Mức phục hồi khoảng 2,4% trong tuần này của VN-Index, ít nhất cũng là một tín hiệu vui sau một tuần lao dốc gần 6% trước đó. 

Chỉ duy nhất yếu tố thanh khoản đang khiến mối hồ nghi lớn trên thị trường chưa được giải tỏa.

Có thể tạo đáy với thanh khoản thấp

Quá khứ đã chứng minh rằng thị trường rất thường có hiện tượng tạo đáy với thanh khoản cạn kiệt. Điều đó được lý giải từ việc áp lực bán ra đã không còn nhiều. Đây là yếu tố được viện dẫn nhiều nhất để lý giải cho biến động giao dịch của tuần này. 

Khối lượng khớp lệnh bình quân tuần này trên hai sàn chỉ còn xấp xỉ 120,8 triệu cổ phiếu, giảm 34% so với tuần trước và là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Đặc biệt, so với trung tuần tháng 3, thời điểm thị trường đạt đỉnh 609 điểm của VN-Index, thanh khoản đã giảm tới 62%.

Thanh khoản thấp cũng được đặt trong bối cảnh thị trường vừa chứng kiến một tuần sụt giảm khủng khiếp khi VN-Index mất ngay 5,9% chỉ trong 5 phiên và HNX-Index giảm 7,9%. Tuần trước cũng là tuần giao dịch đầy ám ảnh với những phiên bán tháo cường độ lớn và hoạt động giải chấp xuất hiện. 

Do đó việc áp lực bán tháo dừng lại luôn là dấu hiệu tích cực. Có thể kết luận rằng ít nhất nhu cầu bán bằng được để thoát khỏi thị trường - một dạng cắt lỗ hay giải chấp - đã không còn, hoặc chỉ ở mức đủ cho sức mua hấp thụ được. Thị trường từ trạng thái hoảng loạn chuyển sang cân bằng đi ngang ít nhất cũng loại trừ được khả năng sụt giảm sâu.

Một yếu tố nữa cũng có thể đánh giá tích cực trong tâm lý, đó là sự tự tin của người mua. Một đợt bắt đáy sớm trong tuần trước ở các phiên ngày 16-17/4 đã phải trả giá. Tuần này những nhà đầu tư bắt đáy hai phiên đầu tuần bắt đầu có lợi thế và áp lực bán ngắn hạn giảm đi, không tạo sức ép lớn lên thị trường.

Thanh khoản trong 3 phiên cuối tuần này duy trì quanh mức 99,6 triệu cổ phiếu nhưng giá lại tăng nhẹ. Thông thường giá tăng trong điều kiện thanh khoản thấp là không đáng tin cậy vì nó thể hiện một sự nghi ngại lớn từ phía nhà đầu tư. 

Điều này vẫn hay xảy ra trong thời điểm đầu tiên của quá trình tạo đáy: Liệu đáy đã thực sự tạo được hay chưa, hay chỉ là một đợt phục hồi kỹ thuật bình thường trong xu thế giảm? Câu hỏi này cần phải có thời gian để trả lời vì mọi biến động hiện tại vẫn có thể thay đổi.

Nguyên nhân là do thanh khoản thấp nên yếu tố nâng đỡ giá chưa thực sự đủ bền vững trước các biến động mới hoàn toàn có thể xảy ra. Áp lực bán có thể tăng lên vào một thời điểm nào đó và mức thanh khoản hiện tại là quá yếu để có thể nâng đỡ thị trường như trong điều kiện lực bán ra cạn kiệt của tuần này. 

Thanh khoản thấp chỉ có thể được xác nhận là đáy nếu được kiểm chứng trong một thời gian tương đối dài. Vì thế đánh giá hợp lý nhất cho tuần này là thị trường bước vào một quá trình tạo đáy. Ít nhất thị trường cũng đã có một điểm giá thấp nhất để nhìn vào, chẳng hạn với VN-Index là 556 điểm. 

Chờ đợi dòng tiền

Mọi xu hướng thị trường rốt cục cũng chỉ xoay quanh câu chuyện thanh khoản, vì thanh khoản thể hiện là tiền. Cổ phiếu là hàng hóa và cần tiền để mua. Nhiều tiền mua thì quy luật cung cầu sẽ đẩy giá lên. Ít tiền mua giá có thể tăng trong một vài thời điểm, nhưng không bền vững.

Tuần này thanh khoản thấp thường được nhìn từ góc độ người bán, do đó đánh giá là tích cực. Đây cũng là logic bình thường vì mới tuần trước, người bán là đối tượng khống chế thị trường, tạo nên những phiên giao dịch hoảng loạn. Còn dòng tiền là được nhìn nhận từ phía người mua. Tiền ít nghĩa là chỉ mới có số ít nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Từ góc độ tâm lý cơ bản, sức ép nhỡ chuyến tàu lợi nhuận cũng lớn như sức ép phải chứng kiến khoản đầu tư bị lỗ. Vì thế mỗi khi giá tăng, người cầm tiền sẽ chịu sức ép tâm lý và tốc độ giao dịch càng cao, giá tăng càng mạnh thì sức ép càng lớn. Đó là lý do vì sao các phiên tăng thường hay xuất hiện những thời điểm giá biến động mạnh vì các nhà đầu tư không chịu nhiệt nổi, bắt đầu đua giá mua lên cao dần.

Tuần này có những phiên tăng khá tốt nhưng thanh khoản không gia tăng đáng kể. Đây có thể là dấu hiệu rằng người cầm tiền vẫn chịu được sức ép và mối nghi ngờ vẫn còn cân bằng với sức ép tâm lý. Họ sẵn sàng đánh đổi một chút chậm chễ để có được sự an toàn vì vẫn nhìn thấy những điểm chưa thuyết phục trong giao dịch.

Trong điều kiện lực bán giảm ở vùng giá thấp, sức cầu yếu cũng đủ để tạo cân bằng giá. Chẳng hạn như cuối tuần này, khi không còn lực giải chấp hàng loạt nữa, mức giao dịch trên dưới 1.500 tỷ đồng cũng đủ tạo giá tăng khá mạnh. Mức giá tăng tốt đó, không có nghĩa là dòng vốn lớn đã nhập cuộc.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo