Chứng khoán Việt Nam: Tăng trưởng chủ yếu nhờ... 'lòng tin'
Tăng trưởng nhờ “niềm tin”
Chủ tịch một công ty chứng khoán nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ, sau chu kỳ tăng trưởng cực nóng, suy thoái kinh tế đã khiến các công ty chứng khoán phải đối diện với nghi ngờ phá sản. Tuy nhiên, thực tế, trong nội tại những người làm chứng khoán đều thấy, thị trường vẫn tăng trưởng khoảng 30%/năm. Tốc độ tăng trưởng này hoàn toàn thuận theo đà tự nhiên, có được từ niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sau những chính sách tích cực.
Cụ thể, đơn cử như VN VNDIRECT(Mã: VND), nếu năm 2011, lợi nhuận trước thuế (LNTT) bị âm 205,85 tỷ đồng, thì LNTT năm 2012 đạt 78,6 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục tăng lên 133 tỷ đồng và dự kiến 2014, LNTT đạt 191,6 tỷ (tăng 44%).
Công ty CP Chứng khoán TP.HCM –HSC cũng ghi nhận mức LNTT tăng trưởng đều qua các năm 2013 (375,4 tỷ), 2012 (306,8 tỷ), 2011 (236,89 tỷ). Tương tự, công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng: LNTT 2013 là 505,83 tỷ, 2012 là 487,26 tỷ, 2011 là 126,6 tỷ đồng.
Chờ đợi 1 cơn sóng mới
Mới đây, Seeking Alpha, website chuyên về phân tích và khuyến nghị đầu tư toàn cầu vừa có bài viết chỉ ra các điểm hấp dẫn của TTCK Việt Nam. Trong đó Seeking Alpha nhấn mạnh tâm lý lạc quan đã trở lại. Và các bài học từ quá khứ cho thấy, sau một cuộc khủng hoảng lớn, đà phục hồi sẽ mang đến lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.
Những tín hiệu tích cực đã có, từ các chính sách chung cho đến nội tại của từng doanh nghiệp chứng khoán. Một loạt cải cách tài chính đã và sắp được Chính phủ ban hành như giảm tỷ lệ nợ xấu, nới room cho nhà đầu tư ngoại, giảm tỷ lệ vốn hóa Nhà nước (xuống dưới 65%) ở các tổng công ty, cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 25% xuống còn 22%) sẽ đem đến cho thị trường khu vực DN tư nhân tính công bằng và hấp dẫn hơn. Trong khi đó, các công ty chứng khoán sau bài học “nổ bong bóng” một thời đã trở nên cẩn trọng hơn bao giờ hết, ví dụ như VNDIRECT tuyên bố luôn trích lập quỹ dự phòng rủi ro tài chính ở mức an toàn, luôn có biện pháp giảm nhiệt khi sức mua của khách hàng quá “nóng”, vượt quá khả năng chi trả bằng cách giảm tỷ lệ cho vay...
Những dấu hiệu sáng sủa đó đã khiến chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh mẽ so với các thị trường mới nổi khác trên thế giới. Theo thống kê, năm 2013, chỉ số Vn-Index trên sàn TP.HCM đã tăng 22% và là 1 trong những thị trường chứng khoán có mức phục hồi mạnh nhất thế giới. Cùng với đó, thị trường trái phiếu Việt Nam cũng được đánh giá là phát triển tốt nhất Châu Á năm 2013. Tiếp nối đà tăng này, trong quý 1/2014, chỉ số Vn- Index đã tăng 16%, đứng thứ 2 trên thế giới và thanh khoản tăng gần gấp 2 lần so với bình quân năm 2013.
Gần cuối tháng 4, đa phần các công ty chứng khoán đều công bố báo kết quả kinh doanh Quý I với số liệu lạc quan hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của VNDIRECT, tổng doanh thu của các công ty chứng khoán đang niêm yết trên sàn 3 tháng đầu năm đạt hơn 870 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất những doanh nghiệp này cũng tăng 118%, đạt trên 490 tỷ đồng.
Dù vẫn còn những nghi ngờ đây có phải tín hiệu lạc quan để các công ty và thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững hay không?! Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế là thị trường vẫn đang tăng trưởng nhờ niềm tin vào dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Và kỳ vọng vào những “cơn sóng xanh” mới từ chứng khoán Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư thắp lên nhen nhúm!
End of content
Không có tin nào tiếp theo