Chứng khoán

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Áp lực khó giải tỏa

DNVN - Chia sẻ tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững", sáng ngày 16/8, GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nhận định, áp lực thanh toán trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.

SDI Corp bị phạt do "ém" thông tin trái phiếu / Gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn tháng 6 nguy cơ chậm trả

Theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý I/2024 cho thấy sự trầm lắng về giá trị phát hành. So với năm 2023, thị trường đối mặt với gánh nặng từ các lô trái phiếu doanh nghiệp chậm gốc/lãi được gia hạn thông qua Nghị định 08. Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2024 về sửa đổi, ngưng hiệu lực một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ước tính giá trị cần xử lý đạt 99.700 tỷ đồng, bao gồm những trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn đạt mức 195.000 tỷ đồng của 135 nhà phát hành cho đến ngày 31/12/2023. Chiếm 16,13% tổng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành và 23,76% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng lưu hành.

Trái phiếu bất động sản chậm trả chiếm 31%, năng lượng chiếm 47,1%, thương mại và dịch vụ chiếm 19,92%.

Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý I/2024 cho thấy sự trầm lắng về giá trị phát hành.

“Năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước tính đạt 234.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành bất động sản chiếm hơn 41%, tổ chức tín dụng chiếm 22,2%. Từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các phương án tái cấu trúc để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt”, ông Mại cho biết.

Ông Mại nhấn mạnh, áp lực thanh toán của doanh nghiệp bất động sản được dự kiến khó giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách. Các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền kinh doanh.

Đồng thời, rủi ro chậm trả của thị trường cũng sẽ gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Cộng thêm áp lực từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có cam kết mua lại trong năm 2024.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho rằng, các chuyên gia và tổ chức tài chính kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn nhờ sự cải thiện kinh tế vĩ mô làm tăng các hoạt động đầu tư và huy động vốn dài hạn. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng thấp được duy trì; kỷ luật được nâng cao nhờ thị trường đã dần làm quen với những quy định mới.

Cụ thể, Fiingroup kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường. Qua đó giúp hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi.

Ngoài ra, nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan.

“Điều này sẽ hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2024”, ông Mại nhận định.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm