Tin tức - Sự kiện

Chứng minh chỗ đỗ khi đăng ký ôtô: “Cứ bình tĩnh”

“Hà Nội đã đặt ra câu chuyện đó, và Hà Nội cũng đã bỏ. Cứ bình tĩnh, khi nào họ dự thảo văn bản thì chúng tôi sẽ tham gia”.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nói như vậy về đề xuất mới đây của Bộ Giao thông Vận tải lên Bộ Công an, sửa đổi văn bản yêu cầu chủ ôtô phải chứng minh có chỗ đỗ xe mới được đăng ký mới.

Ông Ngô Hải Phan nói:

- Nếu họ đánh giá tác động thì mới biết có nên quy định như vậy hay không. Nếu anh yêu cầu có điểm đỗ, mà cần điểm đỗ thì thông qua hợp đồng, anh phải xem thủ tục hành chính này có cần không, mục tiêu đặt ra là gì?... Tức là phải trả lời rất cụ thể từng vấn đề.

Khi có cái đó thì anh mới trả lời được là cái này không cần hay có cần. Chứ còn nếu không có cái đó, nghĩ thế nào cứ thực hiện thì đúng hay sai xã hội sẽ là người hiểu nhất.

Ông nghĩ sao khi lòng đường nhiều đoạn phố hiện cho phép trông giữ xe vào ban ngày, trong khi ban đêm không có dẫn tới người dân có xe ô tô khó để ngay trước cửa nhà mình. Muốn đăng ký chỗ để xe trước cửa như nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã làm thì người dân phải làm gì?

Tất cả thủ tục hành chính từ nhỏ nhất, đến lớn nhất, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đến tổ chức chúng tôi đều quan tâm. Mà quá trình kiểm soát là từ khi dự thảo đến ban hành và thực thi các quy định đó.

Năm 2012 chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát mạnh mẽ vào công tác công khai minh bạch. Hiện nay các địa phương đến tận xã, phường đã có đầy đủ các thủ tục hành chính trong quan hệ giữa người dân với chính quyền. Vấn đề  công khai minh bạch, người dân có thể vào trang web, hoặc là cơ sở dữ liệu quốc gia để tìm trình tự, cách thức như thế nào đối với các thủ tục hành chính là biết được hết.

Hai là, phường, hoặc quận giao cho một đơn vị nào đó làm việc này có đúng quy định hay không, chúng ta cũng có thể đối chiếu lại và thông báo cho chúng tôi để kiến nghị Hà Nội xử lý.

Dự thảo về nghị định liên quan đến thị trường vàng, theo một số thông tin là sẽ được ban hành sớm nhưng có nhiều ý kiến cho rằng còn đọng lại những vấn đề liên quan đến độc quyền, đến  đảm bảo quyền lợi người dân… ông đánh giá thế nào?

Dự thảo này đã được chuẩn bị một năm trước, hồi đó cục chúng tôi chưa ra đời.

Vậy xin hỏi ông, năm nay có nhiều bộ, ngành thay đổi lớn về nhân sự cấp cao. Ông có cho rằng đang có nhiều văn bản hành chính thêm ra, trong đó có các quy định phải tuân thủ liên quan đến người dân và doanh nghiệp?

Tôi cho là không nhiều đâu, vì các bộ, ngành đều có chương trình dự án luật, pháp lệnh rồi, có kế hoạch, văn bản từ đầu chứ không phải do nhân sự thay đổi.

Thuận lợi là hiện nay, theo Nghị định 63 thì khi ban hành phải có đánh giá tác động.

Thưa ông, với tình hình nhiều kiến nghị sửa đổi và đã thay đổi trong văn bản hành chính gần đây khiến người dân và doanh nghiệp lo rằng cắt một có thể thêm hai. Ông nghĩ sao?

Hiện nay, Chính phủ qua Nghị quyết 30, Nghị định 63 có quy định ban hành văn bản về thủ tục hành chính yêu cầu từng cơ quan, ban soạn thảo phải đánh giá tác động theo gói tiêu chí: tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả. Họ phải trả lời được trên 50 câu hỏi trước khi họ ban hành.

Cái đó là để tránh tình trạng, như ngày xưa bà Phạm Chi Lan hay nói, kiến nghị sửa nhiều giấy phép nhưng sau đó không ai kiểm soát nên giấy phép lại tiếp tục đẻ ra. Thì đấy, việc đánh giá tác động chính là kiểm soát không cho đẻ ra nữa. Chứ nếu không, nay cắt cái này mai lại đẻ ra cái khác.

Và không dừng lại ở đó, Chính phủ yêu cầu cơ quan tư pháp các cấp, pháp chế các bộ… phải khẳng định thêm theo điều 7 và 8 của Nghị định 63, những nguyên tắc, thẩm quyền của thủ tục hành chính, lấy ý kiến phản biện của các đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính...

Ở đây, ý kiến của hệ thống cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính là ý kiến phản biện để các cơ quan soạn thảo soi lại, xem đã đạt chất lượng chưa, trước khi ban hành văn bản.

Nhưng nhiều văn bản khi được ban hành rồi, xã hội vẫn không đồng tình, thưa ông?

Thủ tục hành chính đưa ra phải được đánh giá tác động, để thực hiện nghiêm việc này thì nói thực là chưa nghiêm lắm đâu.

Anh em vẫn có thói quen dự thảo sớm văn bản, đẩy càng nhanh càng tốt. Nhưng mà chúng ta không hình dung được là văn bản tác động đến các đối tượng, mà thủ tục thì đối tượng tuân thủ rất nhiều, hệ quả rất lớn. Quy trình ra văn bản qua nhiều bước, qua nhiều cơ quan. Chúng ta nhanh, khi sửa lại khó khăn, quay ngược lại ngần ấy cơ quan mới sửa.

Hiện nay, Chính phủ qua Nghị quyết 30, Nghị định 63 quy định việc ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính, yêu cầu từng cơ quan, ban soạn thảo phải đánh giá tác động theo gói tiêu chí: tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả. Họ phải trả lời được trên 50 câu hỏi trước khi họ ban hành.

Nếu đánh giá tác động không tốt sẽ dẫn tới tình trạng chất lượng thủ tục hành chính tiếp tục không được nâng cao, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

* Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hóa trên 3.000 thủ tục hành chính. Ngoài ra, các bộ, ngành đã rà soát 110 thủ tục hành chính, các địa phương đã rà soát 565 thủ tục hành chính. Các địa phương đã bước đầu thực hiện việc đánh giá tác động đối với 429 thủ tục hành chính quy định tại 87 dự thảo văn bản; các bộ, ngành đã thực hiện đánh giá tác động đối với 666 thủ tục hành chính quy định tại 130 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo VnEconomy

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo