Chúng ta vừa giàu hẳn lên!
Năm ngoái mỗi người trong chúng ta đều giàu thêm chừng 150 đô la Mỹ mà ít ai biết. Còn ai ở TP.HCM thì thu nhập năm ngoái bỗng tăng thêm 400 đô la Mỹ. Sở dĩ có điều lạ này là vì Tổng cục Thống kê (TCTK) có hai thay đổi quan trọng.
Thay đổi thứ nhất là lấy năm 2010 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh. Thay đổi này kéo theo một loạt thay đổi số liệu (như tăng trưởng GDP năm 2012 trước đây công bố là 5,03% nay thành 5,25%). Dù sao đây là điều phải chấp nhận vì để năm gốc 1994 là quá xa, không chính xác và dù sao TCTK cũng đã có họp báo chuẩn bị, giải thích từ đầu năm 2012.
Thay đổi thứ hai mới là bất ngờ và quan trọng hơn: TCTK đã điều chỉnh con số tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá hiện hành (tức không chịu ảnh hưởng bởi thay đổi năm gốc nói trên) khá mạnh mà không có những động thái phổ biến rộng rãi sự thay đổi này.
Ví dụ GDP năm 2012 vào cuối năm được công bố là 2.950.684 tỉ đồng; bỗng đến lúc xuất bản Niên giám thống kê, con số này được nâng lên thành 3.245.419 tỉ đồng. GDP theo giá hiện hành các năm trước cũng được điều chỉnh tăng thêm như thế (xem bảng).
Như thế GDP cả nước ta trong năm ngoái bỗng dưng tăng thêm gần 300.000 tỉ đồng, tức mỗi người tự dưng thấy thu nhập đầu người tăng thêm hơn 3 triệu đồng. Và như thế có nghĩa GDP của các địa phương cũng phải điều chỉnh theo, có nơi là những mức điều chỉnh lớn.
Chẳng lạ gì tại cuộc họp HĐND TPHCM đang diễn ra, hầu như không đại biểu nào, kể cả Chủ tịch HĐND, hiểu vì sao GDP đầu người của thành phố năm ngoái đã công bố là 3.600 đô la nay bỗng tăng vọt lên thành 4.000 đô la (năm 2013, dự kiến tăng thành 4.513 đô la)! Trao đổi với nhiều chuyên gia kinh tế, cũng chẳng ai lý giải được sự thay đổi này vì GDP danh nghĩa tính theo năm gốc nào thì cũng như nhau.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, TCTK, đã giải thích: “Trong quá trình điều tra thu thập thông tin những năm gần đây và làm việc với chuyên gia quốc tế về quy mô GDP của Việt Nam, TCTK nhận thấy một số lĩnh vực thời gian qua đã phản ánh chưa hết.
Vì vậy, TCTK đã điều chỉnh tăng quy mô giá trị gia tăng của lĩnh vực ngân hàng, và khấu hao nhà tự có tự ở của dân cư (ở ngành kinh doanh bất động sản). TCTK có chú thích điều chỉnh số liệu trong Niên giám thống kê”.
Trước đây, cũng có nhiều ý kiến cho rằng GDP thật sự của Việt Nam cao hơn con số công bố nhiều vì thống kê chính thống chưa tính đến nền kinh tế phi chính thức, vốn được phỏng đoán bằng cả 30% nền kinh tế chính thức.
Tuy nhiên, điều chỉnh thì phải công bố rộng rãi, giải thích nguyên nhân và phân tích tác động của việc điều chỉnh lên nhiều khía cạnh của cuộc sống và nền kinh tế. Và theo thông lệ quốc tế, thường phải công bố cả hai dãy số, cả cũ và mới để giới nghiên cứu biết mà sử dụng.
Quan trọng hơn, hai năm gần đây, giá trị tăng thêm của ngành ngân hàng và nhà ở của dân đã giảm sút, thậm chí là con số âm, vậy tình hình này có được phản ánh vào tăng trưởng GDP hay lại thôi, bỏ ra ngoài như trước?
Thay đổi con số GDP có tác động đến rất nhiều điều. Lấy một ví dụ nhìn qua tưởng nhỏ để minh họa. Chúng ta thường nghe nói bội chi ngân sách năm 2012 được Quốc hội thông qua là bằng 4,8% GDP nhưng 4,8% trên con số cũ là 141.632 tỉ đồng còn tính trên con số mới là 155.780 tỉ đồng - khác nhau lắm.
Hay chúng ta cũng thường nghe nợ công trên GDP ở một mức nào đó, ví dụ dưới 60% là an toàn. Vấn đề là GDP bị điều chỉnh nên con số nợ công gọi là an toàn đó cũng thay đổi theo. Mọi tính toán, mọi kế hoạch, thậm chí mọi phê duyệt của Quốc hội không còn chính xác nữa.
GDP đầu người theo con số mới được điều chỉnh dĩ nhiên là cao hơn cũ. Tuy không ai lấy đó để nói đời sống của người dân đã được “cải thiện một bước” nhưng nó sẽ tạo ra một ấn tượng sai lệch về mức độ tăng trưởng GDP đầu người, làm người nước ngoài tưởng chúng ta cải thiện đời sống người dân nhiều hơn thực tế.
Trước đây, đã từng có những lời phê phán số liệu thống kê của Việt Nam không có độ tin cậy cao. Nhiều quan chức đã lên tiếng giải thích, trấn an nhưng việc điều chỉnh con số GDP như đã thấy rõ ràng càng củng cố thêm nhận định số liệu của chúng ta hay thay đổi, không thể dựa vào chúng để phân tích hay nhận định tình hình cho chính xác.
Cũng chính vì ít ai biết đến sự thay đổi này mà tuần trước một số báo đã đưa tin sai. Dựa vào con số ước tính GDP đầu người năm 2013 là 1.960 đô la, các báo này so sánh với con số GDP đầu người năm 2012 cũ là 1.600 đô la để cho rằng GDP đầu người năm nay tăng 23%!
Thực tế GDP đầu người năm 2012 đã được TCTK điều chỉnh, tăng lên thành 1.749 đô la trong cuốn Niên giám thống kê mới nhất cho nên mức tăng năm nay chỉ vào khoảng 12% mà thôi! Không nói cho rõ, chúng ta lại tưởng năm nay mọi người bỗng thêm một lần nữa giàu thêm một khoản không nhỏ nữa.
Theo TBKTSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Cột tin quảng cáo