Chúng tôi đưa quê hương vào cho đồng đội
Hồi hương hài cốt liệt sỹ là ước nguyện cháy lòng, nhưng ước nguyện ấy mãi mãi sẽ không được thực hiện vẹn toàn vì biết bao Liệt sỹ đã tan vào lòng đất, dòng sông. Với những người lính một thời trận mạc, đó là lời thề đồng đội. Lời thề ấy giờ đây trở thành tâm nguyện: Không đưa được các đồng đội hy sinh về quê hương, thì đưa quê hương vào cho các anh.
Với tâm nguyện đó, sau những thể nghiệm đơn lẻ mang tính chất trinh sát, thăm dò, chuẩn bị “chiến trường”, những người lính thuộc mặt trận Quảng Trị- nòng cốt là các cựu chiến binh trung đoàn 27 Triệu Hải (Nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh) đã về với đời thường, lần lượt tổ chức và thực hiện thành công các cuộc hành hương “đưa quê hương vào cho đồng đội”.
Cuộc hành hương đầu tiên được tổ chức năm 2009 mang tên “hành hương làm ấm rừng đồng đội” với sự tham gia của 253 cựu chiến binh của Trung đoàn 27. Những cựu chiến binh chúng tôi trong trang phục giải phóng quân, đội mũ tai bèo từ mọi miền Tổ Quốc hội quân tại TP Vinh.
Trước ngày về thả hoa trên sông Thạch Hãn, đoàn hành quân thẳng vào Tây Bắc Quảng Trị để về với rừng núi Hồ Khê xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ, nơi từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt những năm 1969-1970 với quân viễn chinh Mỹ, biết bao chiến sỹ ta ngã xuống mà không thể hồi hương, hàng trăm cựu chiến binh Trung đoàn 27 với tâm nguyện làm ấm cánh rừng hàng chục năm qua đồng đội yên nghĩ lạnh lẽo, đã mắc võng, ngủ rừng, đêm đêm thì thầm gọi tên đồng đội đã hóa thân vào lòng đất.
Cuộc hành hương thứ 2 là dịp 27 tháng 7/2010 với sự tham gia của 413 cựu chiến binh và 43 thân nhân Liệt Sỹ. Cuộc hành hương thứ 3 kéo dài một tuần từ 27/4 đến 2/5/2012 với sự tham gia của 624 cựu chiến binh và 63 thân nhân Liệt sỹ.
Dường như chủ đề “Đưa quê hương vào cho đồng đội” có sức lan tỏa rộng lớn, nên cuộc hành hương thứ 3 này, ngoài nòng cốt là các thế hệ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 27 còn thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ chiến sỹ các đơn vị thuộc mặt trận B5, từng chiến đấu trên chiến trường Đường 9- Bắc Quảng trị đã về với đời thường tại các địa phương cả nước.
Thật cảm động khi chứng kiến đoàn hành hương ra đi từ các tỉnh thành mang theo đất, nước mọi vùng miền và đặc sản mọi vùng quê vào cho Liệt sỹ, như: Đất tổ Hùng Vương Phú Thọ, đất xứ Lạng, đất hoàng thành Thăng Long, Nước sông Hồng, nước sông Lục đầu Giang, gạo Thái Bình, đất nước Tây Nguyên, đất nước Bến Nhà Rồng... về hội quân ở Nam Đàn quê Bác.
Tại đây, đoàn hành hương kính cẩn báo cáo mục đích chuyến đi trước vong linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận đất vườn nhà Bác, nước giếng Cốc Kim Liên từ tay phó bí thư huyện ủy Nam Đàn Phạm Xuân Quang trao gửi; nhận nước giếng, nước ao, đất vườn nhà các Liệt sỹ được trao từ tay các thân nhân Liệt sỹ .
Rời quê Bác, đoàn hành quân vào Hà Tĩnh. Tôi và hàng trăm cựu chiến binh ứa tràn nước mắt khi bà con Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn những gói to nhỏ như gói cả “Hà Tĩnh mình thương” gửi cho đoàn hành hương mang vào cho Liệt sỹ. Đó là nước sông La, đất Hồng Lĩnh, đất Thành Sen, gạo quê, bánh cu đơ... đượm nghĩa tình lòng người Hà Tĩnh.
Ủy viên Trương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, Thiếu tướng tỉnh đội trưởng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Tới đích thân đón tiếp và tiễn đoàn, làm sống lại trong lòng các thế hệ cựu chiến binh hình ảnh bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Văn Linh và bà con Hà Tĩnh tiễn đưa trung đoàn 27 vào mặt trận 44 năm về trước.
Về Lệ Thủy Quảng Bình, tôi ngập tràn cảm xúc cùng các anh chị cựu chiến binh thế hệ trước tôi về tình quân dân thủa “Một khẩu súng giữ hai trời Nam – Bắc / Một dấu chân in màu đất hai miền”. Tại đây, sau khi tái diễn lại cảnh “đón bộ đội về làng”, đoàn hành hương được các mẹ, các chị trao nước sông Nhật Lệ, đất vườn nhà Liệt Sỹ, đất vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của QĐNDVN mang vào cho Liệt sỹ với những lời dặn dò như thời “ ăn cơm Bắc - đánh giặc Nam”.
Về Vĩnh Linh mảnh đất giới tuyến thời đất nước chia cắt, đoàn hành hương được CSGT dẫn đường hướng về vùng tây Nam, vượt sông Bến Hải, qua Do Linh xuyên rừng về rừng núi Hồ Khê Cam Tuyền Quảng Trị, nơi các thế hệ đàn anh của tôi chiến đấu thời những năm 1968 – 1970 với giặc Mỹ.
Lại mắc võng ngủ đêm trong rừng cùng Liệt sỹ như chuyến hành hương “ấm rừng đồng đội” năm 2009. Có khác là thêm Lễ nhập thủy, nhập thổ linh thiêng. Sau Lễ nhập thủy, nhập thổ cảm động ấy, các cựu chiến binh đem đất nước và sản vật quê hương rải khắp cánh rừng.
Đêm khuya sau tiếng hát của câu lạc bộ “đồng đội ơi” của nam nữ cựu chiến binh Hà Nội, làm tái hiện lại hình ảnh đoàn văn công quân khu Trị Thiên ngày nào là sự tĩnh mịch của rừng xanh, tôi nghe các cựu chiến binh đàn anh, những người từng đánh Mỹ ở Hồ Khê thì thầm gọi tên Liệt Sỹ, khiến tôi bồi hồi không sao ngủ được.
Tôi nghe rất rõ những cánh võng đu đưa sau những tiếng gọi tên liệt sỹ thì thầm ấy. Nghĩa cử rải đất, nước và sản vật mọi miền, ngủ rừng và những tiếng gọi thầm thì tên Liệt sỹ hẳn ấm lòng các anh đã yên nghỉ trong lòng đất Hồ Khê.
Hình ảnh xúc động không cầm nổi nước mắt là ngay tại rừng núi Hồ Khê đêm ấy, một phụ nữ ngực ôm tấm hình Liệt Sỹ đi khắp cánh rừng, tìm gặp hơn 600 cựu chiến binh tìm kiếm thông tin Liệt sỹ là người thân.
Một hình ảnh cảm động khác là cựu ciến binh Nguyễn Trọng Tam, tay cầm bản đồ địa hình, đạp phương vị, băng rừng dẫn đoàn thân nhân Liệt Sỹ Nguyễn Văn Thuận quê Yên Thành Nghệ An về đúng nơi năm 1970 anh và Nguyễn Văn Thuận cùng đơn vị chiến đấu.
Trận đánh không cân sức ngày ấy, ta bắn cháy 16 xe tăng địch, diệt hàng chục tên Mỹ, nhưng Nguyễn Văn Thuận cùng hàng chục cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 27 đã anh dũng hy sinh.
Thi thể các liệt sỹ bị quân Mỹ gom về chất thành đống và vùi chung trong hố đạn đại bác. Hơn 30 năm sau, tại nơi các Liệt sỹ hóa vào lòng đất, nhân dân Cam Lộ và cựu chiến binh Trung đoàn 27 đã dựng bia tưởng niệm để giờ đây, Hồ Khê trở thành một địa chỉ đỏ của cuộc hành hương mà chúng tôi chọn để ngủ rừng cùng các anh và hàng trăm liệt sỹ khác.
Lại hành quân xa dần rừng núi Hồ Khê, đoàn hành hương về xuôi và chia nhỏ về dừng chân ở Hải Thượng, Hải Phú, An Đôn, Nham Biều, Bích La, thành cổ....những tên đất tên làng thân thuộc với chúng tôi từng gắn liền với chiến công và những hy sinh mất mát của một thời Quảng Trị. Về đâu cũng thấm đẫm nghĩa tình của người dân Quảng Trị.
Về đâu đoàn hành hương cũng kính cẩn dâng hương hoa tại các Nghĩa trang Liệt Sỹ và trao quỹ học bổng “quá khứ dưỡng tương lai” cho học sinh và “quỹ hương hỏa” cho đồng đội là cựu chiến binh địa phương chúng tôi dừng chân.
Đêm mồng 1/5/2012- một đêm sau Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, 37 năm giải phóng miền Nam- đoàn chúng tôi kính cẩn tổ chức Lễ nhập thổ, nhập thủy và thả hoa tại bến Bắc sông Thạch Hãn với sự tham gia của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên UVTW Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 27 năm 1972 và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng đông đảo nhân dân thị xã Quảng Trị.
Tên đất, tên nước các dòng sông và sản vật mọi miền mà chúng tôi được nhân dân và lãnh đạo các địa phương khắp cả nước trao gửi mang vào, được lần lượt xướng lên và thả xuống dòng sông cùng với vô vàn hoa tươi và đèn hoa đăng làm sáng rực cả đôi bờ Thạch Hãn.
Giữa dòng sông trên dăm con thuyền nhỏ, các cựu chiến binh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội.... đầu đội những dàn hoa, tay cầm những bình sành sứ đựng nước sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lục đầu Giang... cùng những gói đất và sản vật mọi miền, thắp hương khấn niệm:
- “đồng đội ơi! Chúng tôi đưa quê hương vào cho các anh đây !” rồi nghiêng mình thả tất cả xuống dòng sông.
Đêm bên bờ Thạch Hãn cùng chuyến hành hương “đưa quê hương vào cho đồng đội”, tôi lặng lẽ đắm chìm trong cảm xúc và thấm thía hơn tiếng gọi quê hương.
Chưa bao giờ tôi thấy tiếng gọi Quê hương thiết tha và thiêng liêng đến vậy. Bỗng lời thơ ai đó vang lên trong tâm trí tôi: “Ôi quê hương có muôn vàn định nghĩa/ một tiếng ru hời của mẹ, một mùi hương/ Một trái cây chín vườn thời thơ bé/ một nụ hôn nồng trên mí mắt người thương...”.
Đoàn hành hương chúng tôi không chỉ mang theo “tiếng ru hời của mẹ”, “trái cây chín”, “nụ hôn nồng trên mi mắt” mà còn mang theo đất, nước, sản vật của quê hương vào cho đồng đội.
Lặng mình bên bến thả hoa, tôi thầm nghĩ: Lễ Hội thả hoa trên sông Thạch Hãn được bắt nguồn từ nghĩa cử của những cựu chiến binh suốt hơn mười năm, đã lan tỏa thấm sâu vào tâm thức mọi người dân mà trở thành Lễ hội lớn tưởng nhớ những người ngã xuống và tan vào những dòng sông.
Thế rồi tôi mong: Những cuộc hành hương “mang quê hương vào cho đồng đội” mà chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thực hiện sẽ dần lan tỏa, thấm sâu để trở thành Lễ hội lớn của dân tộc tưởng nhớ và tri ân đồng chí, đồng bào hy sinh tan vào lòng đất nước chiến trường xưa, vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
Tô Lan
End of content
Không có tin nào tiếp theo