Chuyện cảnh sát giao thông bị tống tiền
Tống tiền là cách gọi nôm na hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng tình trạng bị lệ thuộc về ý chí của một người để chiếm đoạt tài sản của người đó. Vì thế nạn nhân của hành vi này thường là người yếm thế. Nhưng công an là người đại diện cho pháp luật. Ra đường, ai có uy bằng CSGT, vậy mà ở đây một tay cộng tác viên ất ơ cũng dám dọa dẫm làm tiền.
Mấy năm trước cũng tại Khánh Hòa, một cộng tác viên của báo X cũng đòi tiền nhưng chưa kịp nhận thì bại lộ. Vừa rồi TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa xử và tuyên án tù mấy tay cả gan ra tống tiền CSGT.
Nhóm bị cáo giả danh nhà báo quay phim tống tiền CSGT Thừa Thiên - Huế đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử ngày 18-7-2013. Ảnh: Viết Long
Chuyện CSGT bị tống tiền là điều nhức nhối cho cả hai phía công an và nhà báo. Vì sao? Trước hết sở dĩ các “nhà báo” ấy dám tống tiền CSGT vì cho rằng việc nhận hối lộ của CSGT là phổ biến, kỷ luật ngành lại nghiêm, bắt được là bị tước quân tịch. Lợi dụng điểm yếu này, có nhà báo dù không có bằng chứng CSGT vi phạm vẫn dọa dẫm là đã ghi âm, ghi hình được cảnh CSGT “dấm dúi”, sai quy trình tuần tra và tin rằng sẽ moi được tiền.
Xui cho ông “nhà báo” Hoàng Thanh Hải, ngay từ khi phát hiện ra âm mưu của Hải, Thiếu tá Khải đã báo cáo lãnh đạo và Hải đã bị bắt quả tang, tự chui vào mẻ lưới do mình giăng.
Câu chuyện nhỏ nhưng nó là lời cảnh tỉnh cho hai phía. CSGT cần xây dựng hình ảnh và lòng tin về sự vô tư và liêm khiết. Còn những kẻ định nhân danh nhà báo để làm bậy cũng nên dè chừng vì không phải CSGT nào cũng có gót chân A-sin đặng lợi dụng. Sự cương quyết và cảnh giác của Thiếu tá Khải cần được xem như một điểm son, ít nhất nó thể hiện một điều: Khi ta sống ngay ngắn thì không việc gì phải sợ ai!
Theo PLTPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo